Multimedia Đọc Báo in

Tăng cước, phí giao thông - vận tải, thêm nhiều nỗi lo cho người dân

06:03, 09/04/2012

Sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 7-3, các doanh nghiệp (DN) vận tải trong tỉnh đã có sự điều chỉnh tăng giá vé, cước vận tải. Cùng với nhiều loại phí giao thông mới khác đang được đề xuất thu, nếu được chấp thuận sẽ ảnh hưởng nhiều đến giao thông đi lại của người dân…

Giá cước vận tải tăng cao, gây khó khăn cho người dân.
Giá cước vận tải tăng cao, gây khó khăn cho người dân.

Sở GTVT cho biết, chỉ sau 3 ngày tăng giá xăng, dầu, bắt đầu từ 10-3, hãng taxi Mai Linh Dak Lak đã chính thức tăng theo giá vé các loại xe Toyota Vios 4 chỗ ngồi 1.000 đồng/km, Toyota Innova 7 chỗ ngồi 1.500 đồng/Km. Sau Mai Linh, các hãng taxi trên địa bàn cũng đồng loạt tăng giá vé, với mức dao động từ 1.000 đến 1.500 đồng/km. Hãng xe khách đường dài-Công ty Vận tải hành khách Cao Nguyên - cũng xây dựng lại giá vé tuyến Nha Trang-Buôn Ma Thuột, tăng trên 30% (từ 75.000 lên 100.000 đồng). Riêng đối với các DN vận tải xe buýt đã đồng loạt tăng giá vé từ ngày 20-3, dao động trong khoảng 5-8%. Cùng với các tuyến xe buýt nội tỉnh, các tuyến ngoại tỉnh, chủ yếu từ Buôn Ma Thuột đến một số địa phương thuộc tỉnh Dak Nông cũng điều chỉnh tăng thêm giá vé, trung bình mỗi tuyến từ 1.000 đến 2.000 đồng. Hầu hết các DN vận tải đều cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự điều chỉnh về giá vé vẫn là do tác động của tăng giá xăng, dầu, cùng với tăng giá vật tư, phụ tùng (xăm, lốp). Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Văn Mạnh, Chủ nhiệm HTX Vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil (huyện Ea Súp) cho biết, kinh doanh vận tải phụ thuộc phần lớn vào giá cả nhiên liệu (xăng, dầu), vật tư, phụ tùng và tiền công lao động, nên khi giá tăng đơn vị gặp khó khăn lớn trong hoạch toán, cân đối chi phí. Vì vậy, phải điều chỉnh lại giá cước vận chuyển để đủ trang trải các khoản đầu ra và bảo đảm cho hoạt động của DN trong bối cảnh biến động của thị trường hiện nay. Còn theo ông Nguyễn Thành Đức, Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng (huyện Krông Pak), trước thực tế mọi loại phí đều tăng nên DN điều chỉnh giá vé là không tránh khỏi, nếu không, trên mỗi km đơn vị phải bù lỗ khoảng 900 đồng. Giá cước vận tải tăng lên, đặc biệt là giá xe buýt sẽ gây khó khăn cho người dân, nhất là học sinh, sinh viên, vì đây là đối tượng có nhu cầu đi xe buýt thường xuyên.

Không chỉ có cước vận tải tăng mà còn hàng loạt loại phí khác cũng đang trở thành gánh nặng cho mỗi người dân khi sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Ngoài các loại phí trước bạ, đăng ký cấp biển số, xăng dầu, đăng kiểm…, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ. Theo đó, bắt đầu từ 1-6-2012, mỗi phương tiện giao thông khi lăn bánh phải đóng thêm khoản phí này. Dự thảo Thông tư về hoạt động thu - chi của Quỹ Bảo trì đường bộ vừa được Bộ GTVT chuyển sang Bộ Tài chính, dự kiến mức thu phí đối với xe ô tô từ 180 nghìn đồng đến trên 1,4 triệu đồng/tháng (tùy theo tải trọng của xe), như thế sẽ gây khó khăn cho một số DN nhỏ, có số lượng xe ít, không hoạt động thường xuyên. Trong khi đó, một số ý kiến người dân vẫn còn băn khoăn, liệu các loại phí đó có thực sự phục vụ công tác bảo trì đường bộ? Bởi, thực tế, hằng năm người dân vẫn phải đóng một khoản phí rất lớn để làm đường giao thông nông thôn và các cầu tạm ngay địa phương mình sinh sống. Anh N.H.T (một người dân huyện Krông Pak) phàn nàn, với mức phí từ 80.000 đến 180.000 đồng/năm, khoản tiền đó không nhiều, nhưng nếu gia đình nào có nhiều xe máy (chủ yếu xe cà tàng, phân khối nhỏ, phục vụ đi lại trong nương rẫy) thì số tiền đóng không phải là nhỏ. Điều đáng nói, đa số người dân nông thôn rất ít lưu thông trên các tuyến đường nội đô, nhưng mức đóng cũng bằng những người sống ở thành phố (?!). Chưa kể, trước đó, Bộ GTVT đã có đề xuất thu phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành phương tiện giao thông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, hiện đang được Chính phủ yêu cầu các bộ thẩm định, lấy ý kiến, sau đó mới xem xét có trình lên Quốc hội hay không, vì các loại phí này hiện chưa có trong danh mục phí và lệ phí do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong buổi họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định, nếu được Quốc hội thông qua, cũng chưa tiến hành thu 2 loại phí này trong năm nay, vì nền kinh tế còn khó khăn, tác động nhiều đến đời sống của người dân, chuyện thu phí phải có lộ trình thích hợp.

Một khi các đề xuất về phí giao thông có hiệu lực, dù là cá nhân hay DN cũng phải chấp hành đóng phí. Tuy nhiên, với lý do bù lỗ, các DN vận tải sẽ tiếp tục tăng giá vé, giá cước, mọi gánh nặng lại đổ lên đầu người dân. Liệu mục tiêu kiềm chế lạm phát, hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông… có khả thi, vẫn là câu hỏi còn “bỏ ngỏ”.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc