Multimedia Đọc Báo in

Bao giờ du lịch Dak Lak trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

05:56, 09/04/2012

Kỳ 2: Bài toán quy hoạch và đầu tư

Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp (DN) và cơ quan liên quan lấy ý kiến tham gia xây dựng đề án phát triển du lịch Dak Lak (giai đoạn 2011-20015), ông Đinh Văn Khiết-Phó chủ tịch UBND tỉnh hàm ý: Để xây một ngôi nhà, phải có bản vẽ thiết kế chi tiết, và phải dựa vào nguồn tài chính có được! Với du lịch cũng vậy, muốn phát triển thì nhất thiết bài toán quy hoạch và thu hút vốn đầu tư phải được đặt ra, cùng với một lộ trình thực hiện phù hợp. Ai cũng biết vậy, nhưng trên thực tế, để thực hiện được điều đó không phải là chuyện đơn giản.

Làng cà phê Trung Nguyên.
Làng cà phê Trung Nguyên (Ảnh: Lan Anh).

Về quy hoạch tổng thể du lịch Dak Lak, theo bà Mai Hoan Niê K’dăm - Phó chủ tịch UBND tỉnh: Hơn hai năm qua, tỉnh giao cho Sở VH-TT-DL tham mưu, đề xuất cho tỉnh đề án trên (trong đó có quy hoạch, thu hút đầu tư), nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện để làm cơ sở pháp lý, định hướng cho du lịch Dak Lak phát triển. Chính điều đó đặt các DN  kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh rơi vào thế lúng túng, bị động! Bởi khi không biết trước quy hoạch sẽ như thế nào, thì dĩ nhiên các DN không dám dồn sức đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực (còn tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và lắm dịch chuyển về tài nguyên như đất, rừng, cảnh quan…) vốn là chất liệu làm nên sản phẩm du lịch. Nói thêm về vấn đề này, ông Bùi Văn Bang - Chánh văn phòng Tỉnh ủy cho rằng: Một khi không có “cây gậy pháp lý” là đề án phát triển du lịch như đã nói, thì không thể tránh khỏi tình trạng quy hoạch của ngành này “chồng” lên quy hoạch ngành kia như đã từng xảy ra đối với thủy điện và du lịch trong thời gian qua do sự phân chia lợi ích thiếu hài hòa giữa các bên.

Sự chồng chéo, hay nói cách khác là “mâu thuẫn” nảy sinh như ông Bang chỉ ra đã làm “đau đầu” không ít DN có quyết tâm đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn Dak Lak. Trước tiên phải kể đến Khu du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng thác Krông K’ma - huyện Krông Bông. Cách đây gần sáu năm, khi thủy điện Krông K’ma mọc lên đã tước đi nguồn sống của khu du lịch này. Rừng mất, thác cạn kiệt khiến du khách quay lưng, đến nỗi ông Nguyễn Hữu Khá- phụ trách khu du lịch phải ngậm ngùi: Du lịch ở đây không còn nhộn nhịp như xưa, doanh thu sụt giảm qua từng năm, thu không đủ chi, mặc dù đơn vị đã đổ vào đó hàng chục tỷ đồng! Công ty du lịch Thanh Hà đầu tư vào thác Bảy nhánh trên dòng Sêrêpôk nhiều năm nay cũng lo lắng cho tương lai của mình vì công trình thủy điện Sêrêpôk 4A đang được gấp rút xây dựng trên lưu vực này. Còn với ông Lê Hoàng Cơ-Giám đốc Công ty du lịch - thương mại Đam San, đến giờ vẫn còn chua chát rằng: Mất hơn 4 tỷ đồng cho dự án du lịch sinh thái cụm thác Gia Long-Dray Nur (huyện Krông Na), để cuối cùng phải rút lui trong tay trắng! Nguyên nhân là do rừng ở đó không còn, các thác nước bị vắt kiệt vì công trình thủy điện Buôn Kuốp ngăn dòng. Được biết, khi Đam San rút lui, khu du lịch này được một công ty lữ hành ở TP Hồ Chí Minh thuê lại để tiếp tục tôn tạo, đầu tư, nhưng đến nay, chưa đầy hai năm, họ cũng “bỏ của chạy lấy người” do những tác động bất lợi trên.

Rõ ràng, một khi công tác quy hoạch chưa được tính đến, thì việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sở Kế hoạch-Đầu tư, từ năm 2006 đến nay, có trên 10 dự án xin đầu tư vào Dak Lak, trong đó chỉ có một số dự án xây dựng các cơ sở lưu trú, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí) thuộc địa bàn TP Buôn Ma thuột được triển khai đúng trình tự và thời gian cam kết. Điều đáng buồn là những dự án này (khách sạn Dakruco, Thắng Lợi, Công viên nước, làng cà phê Trung Nguyên…) chủ yếu được huy động từ nguồn lực trong tỉnh, hoặc liên doanh với một vài DN ở TP Hồ Chí Minh, còn lại khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài hầu như bế tắc. Được biết, trước đó cũng có nhiều dự án du lịch được các DN “có máu mặt” đăng ký và được UBND tỉnh cấp phép như: Khu du lịch đèo Hà Lan (do Công ty Du lịch Suối Cát-Bình Thuận làm chủ đầu tư), Khu Du lịch cụm thác Dray Sáp-Dray Nur (Công ty TNHH Gia Khánh-TP. Hồ Chí Minh), Khu du lịch hồ Ea Kao-Suối Xanh (Công ty cà phê Trung Nguyên) với tổng mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song trải qua nhiề năm, các dự án trên vẫn chỉ nằm trên giấy, buộc tỉnh phải thu hồi giấy phép vào cuối năm 2010. Cũng từ thời điểm đó cho đến đầu năm 2012, trong danh mục các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, Dak Lak không có thêm DN nào đăng ký nữa. Giải thích về điều này, ông Phạm Tâm Thanh cho biết thêm: sở dĩ các nhà đầu tư không mặn mà với du lịch Dak Lak là do ngoài năng lực tài chính có hạn…, vấn đề mà họ quan tâm nhất là do công tác quy hoạch về du lịch của chính quyền địa phương chưa rõ ràng. Trong đó, dễ thấy nhất là việc “quy hoạch chồng chéo” nặng tính chất đánh đổi lợi ích lâu dài lấy lợi ích trước mắt. Đó là chưa kể đến việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng… của địa phương chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí buông lỏng,  khiến nhiều DN có ý định đầu tư, khai thác và kinh doanh du lịch cảm thấy do dự, ái ngại…

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.