Multimedia Đọc Báo in

Cần thận trọng khi thay thế diện tích cà phê già cỗi bằng hồ tiêu

08:35, 07/05/2012

Hiện nay, phần lớn diện tích cà phê trên địa bàn Dak Lak đều có độ tuổi từ 18 năm trở lên. Vì vậy, bên cạnh việc tìm các biện pháp nhằm tái canh cho cây cà phê già cỗi, những năm gần đây, do thấy giá tiêu tăng cao, người dân lại đổ xô chuyển sang trồng loại cây này...

Thời gian qua, trên địa bàn Tây Nguyên, nhiều diện tích tiêu  đã bị chết hàng loạt do sâu bệnh.
Thời gian qua, trên địa bàn Tây Nguyên, nhiều diện tích tiêu đã bị chết hàng loạt do sâu bệnh.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn Dak Lak trên 50 ngàn ha, chiếm khoảng ¼ diện tích cà phê toàn tỉnh. Cây cà phê sau 18- 25 năm tuổi thì trở nên già cỗi, năng suất, chất lượng giảm, người trồng thường nhổ bỏ để trồng cây cà phê mới trên diện tích đất cũ. Tuy nhiên, muốn cây cà phê phát triển tốt thì sau khi nhổ bỏ cà phê già cỗi, buộc phải xử lý đất từ 2- 3 năm sau mới có thể trồng mới lại được. Nhưng trên thực tế, hầu hết nông dân đều không theo quy trình đó vì nhiều lý do, như chị Lê Thị Tần, phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ cho biết: bỏ đất trống trong thời gian dài sẽ gây thiệt hại lớn cho kinh tế gia đình, và nông dân cũng không có vốn để xử lý đất kéo dài trong 2- 3 năm. Trong khi đó, những năm gần đây, hồ tiêu được giá, người dân đã đua nhau phá bỏ nhiều diện tích cà phê già cỗi để trồng tiêu, bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số diện tích cà phê già cỗi trong tỉnh được thay thế bằng cây tiêu là không dưới 1.000 ha, tập trung nhiều nhất tại các huyện Ea Kar, Krông Năng, Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ…, nâng diện tích tiêu của Dak Lak lên khoảng 6.000 ha (vượt 700- 900 ha so với kế hoạch, và tăng trên 1.000 ha so với năm 2010).

Thời điểm này, đi đến nhiều vùng nông thôn trong tỉnh sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tập trung đúc cột bê tông, mua cọc gỗ… về làm trụ trồng tiêu. Cũng như nhiều hộ dân khác, ông Nguyễn Văn Hải ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đã phá bỏ toàn bộ 2 ha cà phê già cỗi để trồng tiêu. Ông cho biết: trồng tái canh cà phê sẽ tốn rất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư (bình quân 45- 50 triệu đồng/ha/năm) mà giá cà phê hằng năm lại bấp bênh, trong khi  gần đây giá hồ tiêu tăng cao và khá ổn định ở mức từ 110.000- 130.000 đồng/kg, vốn đầu tư ban đầu cũng không cao lắm chỉ khoảng 40- 60 triệu đồng/ha. Chưa kể, cây tiêu trong thời kỳ kinh doanh, việc chăm sóc rất nhàn, mà hiệu quả kinh tế (ít nhất trong thời điểm này) lại khá cao, với giá hiện nay có thể thu lãi từ 750- 900 triệu đồng/ha. Vì vậy, việc trồng tiêu thay thế cà phê già cỗi đang trở thành phong trào ở đây. Còn tại các huyện Krông Năng, Buôn Đôn, Ea H’leo… bà con cũng đang tìm mua tiêu giống về ươm trồng. Anh Trần Văn Bằng ở thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo cho biết: có nhiều hộ còn tìm đến các tỉnh Gia Lai, Bình Phước mua tiêu giống. Do số lượng người mua ngày một đông nên giá tiêu giống cũng tăng từ 5.000- 6.000 đồng/ngọn năm 2010, lên 12.000 đồng/ngọn, nhưng người dân vẫn cố tìm mua bằng được để mong đổi đời với cây tiêu. Việc nông dân đổ xô trồng cây tiêu thay cà phê già cỗi, bất chấp mọi rủi ro đã kéo theo những hệ lụy. Khoảng 4 năm trở lại đây, đã có không ít diện tích hồ tiêu ở Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều vườn tiêu đang xanh tốt bỗng bị khô gốc, thối rễ chết hàng loạt, khiến hàng chục hộ nông dân lâm vào cảnh trắng tay. Điển hình như hộ ông Nguyễn Hồng Sơn, Trần Văn Thơ ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) có hơn 2.400 trụ tiêu trong thời kỳ kinh doanh bị chết hàng loạt (cuối năm 2011); hay như gia đình ông Nguyễn Hữu Chân ở xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) có hơn 400 trụ tiêu, thì có gần 200 trụ bị chết, số còn lại đang có biểu hiện vàng lá, rụng cành mà chưa có biện pháp nào ngăn chặn…

Theo ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Dak Lak: tình trạng người dân đổ xô trồng tiêu tràn lan hiện rất khó kiểm soát, mà nguyên nhân chủ yếu là do chạy theo lợi nhuận nhất thời, thiếu bền vững, đã phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng của địa phương, giảm độ phì trong đất, là tác nhân lây nhiễm mầm sâu bệnh cho các cây trồng khác... Mặt khác, do khan hiếm cây giống nên nhiều hộ đã “vét” cả những giống tiêu không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường về trồng, cộng với thiếu kỹ thuật chăm sóc nên cây kém phát triển, phát sinh mầm sâu bệnh. Chưa kể, khi “cung vượt cầu” giá tiêu giảm xuống sẽ thiệt hại lớn cho người trồng tiêu. Chính vì vậy, bà con cần cân nhắc kỹ trước khi dốc hết vồn liếng đầu tư vào loại cây trồng này.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc