Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp ở huyện M’Drak

08:39, 21/05/2012

Trước đây gia đình Ama Nê (buôn Hai, xã Cư M’ta - M'Drak) rất nghèo. Tuy có nhiều đất sản xuất và chăm chỉ làm ăn, nhưng hiệu quả thu về hằng năm chẳng được bao nhiêu. Nguyên nhân là do gia đình không có vốn đầu tư cho sản xuất. Năm 2008, gia đình Ama Nê được Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện M'Drak giải quyết cho vay 30 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, gia đình ông đã đầu tư mua giống, phân bón, thuê máy cày đất... trồng 1 ha mía, 2 ha sắn và 2 ha ngô hai vụ, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Có được nguồn vốn tiếp sức của ngân hàng, gia đình Ama Nê còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo nái và trồng 5 ha rừng cây keo lai. Đến nay, 5 ha rừng của gia đình ông đang phát triển tốt. Dự tính sau 3 năm nữa, gia đình ông sẽ có tổng thu nhập từ 5 ha rừng khoảng trên 200 triệu đồng.

Cũng như gia đình Ama Nê, gia đình ông Trần Ngọc Hải, ở thôn Ea Tê, xã Krông Jing trước đây thuộc diện hộ nghèo. Dù có hơn 10 ha đất và hằng năm gia đình ông phải đổ rất nhiều mồ hôi, công sức nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Từ khi được Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện cho vay 250 triệu đồng, gia đình ông Hải đã mạnh dạn đầu tư mua giống và phân bón để trồng một số diện tích ngô, sắn và 10 ha mía, bán nguyên liệu cho các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh. Có vốn đầu tư cho sản xuất, làm ăn có tích lũy, gia đình ông Hải đã có đời sống khá hơn trước. Năm 2007, gia đình ông đã xây được nhà mới khang trang, và gần đây cũng đã mua được 3 chiếc ô tô tải để làm dịch vụ chuyên chở hàng hóa cho người dân trong vùng. Hiện nay, gia đình ông Hải đã có thu nhập bình quân 600 triệu đồng/năm. Ông Hải hiện còn làm tổ trưởng tổ dịch vụ cho Nhà máy đường 333 ở huyện Ea Kar và Nhà máy đường Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) nhằm giúp cho 30 hộ dân ở xã Krông Jing và xã Ea Pil được vay vốn, phân bón đầu tư trồng mía và tiêu thụ mía khi đến mùa thu hoạch. 

Theo bà Trần Thị Hồng, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện M'Drak, từ khi có Quyết định số 67 ngày 30-3-1999 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp theo là Nghị định số 41 ngày 12-4-2010 của Chính phủ "Về chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn" được ban hành đến nay, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện đã tập trung khá nhiều nguồn vốn, giải quyết cho hàng chục nghìn lượt hộ nông dân ở địa phương vay đầu tư sản xuất các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như: đậu các loại, ngô, sắn, mía... Và nguồn vốn của ngân hàng đã thực sự phát huy được hiệu quả, giúp cho nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện xuống còn 28,35% (giảm hơn 4% so với năm 2010). Hiện tại, tổng dư nợ cho vay đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện M'Drak của Chi nhánh ngân hàng NN&PTNT huyện là hơn 120 tỷ đồng với gần 3.000 hộ vay; trong đó, 320 hộ người dân tộc thiểu số được vay hơn 5,6 tỷ đồng. Nguồn vốn vay từ ngân hàng thực sự đã và đang giúp cho các hộ nông dân ổn định sản xuất, phát triển đời sống và là yếu tố quan trọng kích cầu, tạo đà cho nền kinh tế của huyện M’Drak phát triển.

   Nguyễn Hiếu 


Ý kiến bạn đọc