Multimedia Đọc Báo in

“Bắt mạch” doanh nghiệp thời gian khó

08:47, 01/06/2012

Là một trong những lực lượng quan trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước, tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp (DN) đang là vấn đề “nóng” trên  nhiều diễn đàn. Câu chuyện “bắt mạch”, tìm bệnh để có liều thuốc chữa trị kịp thời, hiệu quả cho DN thu hút sự quan tâm của nhiều bộ ngành, địa phương trên cả nước.

Kỳ 1: Doanh nghiệp “gặp bão”

“Cơn bão” khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang hiện diện, là một “rào cản” lớn trong sản xuất kinh doanh của DN và kéo theo đó là biết bao hệ lụy: nợ chồng nợ, DN thành lập mới giảm, ngừng sản xuất, giải thể tăng…

Nợ chồng nợ

Khi tính đến trung tuần tháng 3-2012, kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ đạt xấp xỉ 16% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 80,5%  so với cùng kỳ năm 2011 và đạt 50% chỉ tiêu  thu ngân sách quý I-2012, UBND tỉnh đã khá “sốt ruột”. Theo đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo rốt ráo các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2012, với mục tiêu phấn đấu 6 tháng đầu năm thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 55% dự toán thu năm 2012 do HĐND tỉnh giao. Nội dung văn bản cũng chỉ rõ: các huyện, thị xã, thành phố phân tích kỹ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến việc tăng giảm nguồn thu đối với từng ngành, từng khoản thu, từng sắc thuế, từng DN để có biện pháp khắc phục. Ngành Thuế tăng cường đôn đốc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; rà soát, đối chiếu xác định chính xác số DN đang hoạt động và DN dừng, nghỉ kinh doanh để lập bộ, xây dựng kế hoạch thu cho phù hợp; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, tập trung vào các DN có số phát sinh doanh thu tăng nhưng không phát sinh tiền thuế liên tục trong nhiều kỳ, DN có doanh thu lớn nhưng nộp thuế TNDN thấp, DN có dấu hiệu thất thu, nợ thuế lớn…

DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là một trong những đối tượng “mắc bão” lớn nhất.
DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng là một trong những đối tượng “mắc bão” lớn nhất.

Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp theo quy trình quản lý cũng như được sự trợ sức tích cực của các ngành liên quan nhưng tình trạng nợ đọng thuế vẫn tăng, ông Ngô Việt Hồng, Cục  phó Cục Thuế tỉnh chia sẻ. Minh chứng cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2011, con số nợ đọng thuế khoảng 490 tỷ đồng, nhưng chỉ sau mấy tháng, đến 30-4-2012 đã tăng lên 550 tỷ đồng. Trong đó, số nợ không có khả năng thu là 118 tỷ đồng, có khả năng thu 230 tỷ đồng và thu được là 144 tỷ đồng. Ông Hồng phân tích thêm: Với mức lãi suất vay ngân hàng 20%/năm, thậm chí có thời điểm lên 24%/năm như trong thời gian qua, rất nhiều DN khó tiếp cận được với nguồn vốn vay. Vì thế, không ít DN chấp nhận mức lãi suất phạt chậm nộp thuế là 1,5%/tháng (tức 0,05%/ngày) còn hơn phải đi vay ngân hàng để nộp thuế. Thậm chí ngay cả số tiền phạt chậm nộp thuế này, có DN cũng nợ vì kinh doanh ngưng trệ, tự nghỉ kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh. Thế nên một số trường hợp cơ quan thuế đã áp dụng hết các biện pháp cưỡng chế nhưng vẫn không thu được nợ. Hiện có 14 đơn vị được Cục Thuế tỉnh liệt vào danh sách nợ không thể thu được với số nợ thấp nhất là 101 triệu đồng và cao nhất là hơn 4,7 tỷ đồng. Cụ thể như DN Tư nhân thương mại Trực Phát nợ trên 4,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu Quyết Thắng 1,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng cơ sở hạ tầng 1,4 tỷ đồng; Xí nghiệp Chế biến gỗ Tây Nguyên 1,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Một thành viên Phú Cường 708 triệu đồng; Công ty TNHH Xây dựng vận tải du lịch Gia Định Phát 101 triệu đồng…

“Sinh” giảm

Bức tranh của nền kinh tế sẽ khá buồn tẻ khi thiếu vắng sự tham gia của đội ngũ DN. Trước bối cảnh lạm phát, chính sách thắt chặt đầu tư công đã khiến cho các DN, đặc biệt là DN thương mại, xây dựng, tư vấn thiết kế thời gian qua hoạt động không mấy sôi động.  Là cơ quan gánh trọng trách hoàn tất các thủ tục “khai sinh” cho DN, ông Đinh Xuân Hà, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đăng ký kinh doanh là quyền của DN và Sở luôn khuyến khích cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN như tăng cường tư vấn, đẩy mạnh cải cách hành chính. Sự sôi động của đội ngũ DN tham gia đăng ký kinh doanh là một trong những tín hiệu đánh giá “sức khỏe” nền kinh tế. Tuy nhiên, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến cho số DN đăng ký, thành lập mới cũng trầm lắng hơn nhiều năm trước. Năm 2011, số DN dân doanh thành lập mới là 648 DN (với số vốn đăng ký bình quân 5 tỷ đồng/ DN), giảm 106 DN so với năm 2010 và không có DN có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập. Còn 4 tháng đầu năm 2012, số lượng DN dân doanh mới thành lập là 202 đơn vị (với số vốn đăng ký bình quân 6,9 tỷ đồng/ DN), giảm 45 DN so với cùng kỳ năm 2011 và cũng không có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập mới. Tính đến hết tháng 4-2012, tổng số DN đăng ký trên địa bàn là 6.289 DN, bao gồm 5.906 DN dân doanh, 58 DN nhà nước, 5 DN có vốn đầu tư nước ngoài, 320 HTX với tổng số vốn đăng ký là 3.457 tỷ đồng. Hầu hết các DN đăng ký đều là DN nhỏ và vừa (có dưới 300 lao động hoặc tổng nguồn vốn dưới 100 tỷ đồng).

“Tử” tăng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là số DN thành lập mới liên tục giảm, trong khi đó số lượng DN thu hẹp, ngừng và chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình tại Kỳ họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 cho biết, 4 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 18.000 DN giải thể hoặc dừng hoạt động, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nâng tổng số DN không còn hoạt động lên chiếm gần 30%. Như vậy, cả nước hiện chỉ còn trên 463.800 DN đang hoạt động, chiếm tỷ lệ hơn 70% số DN. Đối với Dak Lak, cũng tính đến hết tháng 4-2012, trong tổng số 6.289 DN đăng ký kinh doanh trên địa bàn, đã có trên 1.300 DN đóng cửa, ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Phần lớn các DN giải thể, tạm ngừng hoạt động thuộc loại hình DN dân doanh kinh doanh trong lĩnh vực thương mại và xây dựng.


        Khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến số DN nợ thuế tăng.
Khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến số DN nợ thuế tăng.

Một kênh thông tin khác cũng phản ánh những khó khăn, lao đao của DN hiện nay chính là từ cuộc Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 1 (từ ngày 1 đến ngày 30-4-2012), cuộc tổng điều tra thực hiện thu thập thông tin của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc DN, các chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài. Thực tế quá trình đi điều tra, thu thập thông tin ở khối DN của các điều tra viên rất vất vả do có khá nhiều DN đã ngừng hoạt động hoặc giải thể nhưng lại không đến các cơ quan chức năng để chính thức làm thủ tục “khai tử”. Chị Lê Thị Huệ, cán bộ Chi cục Thống kê TP. Buôn Ma Thuột cho hay, có những DN chị phải đi lại 2 đến 3 lần mà vẫn chưa thu thập được thông tin về DN, DN treo biển cho thuê nhà, thay đổi địa chỉ, khi gọi điện thoại được ghi trên biển hiệu thì không có người nghe máy hoặc không liên lạc được.

Thực hiện Công văn số 236/BCĐTW-TTT, ngày 30-3-2012 của Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp Trung ương về vấn đề điều tra bổ sung thực trạng và khó khăn của DN, với 145 DN thuộc diện được Trung ương chỉ định điều tra, Dak Lak đã hoàn tất và kết quả là có 130 DN đang hoạt động, 15 DN ngừng hoạt động, hoặc đã giải thể. Số DN đang hoạt động gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như: chịu lãi suất ngân hàng cao, khó tiếp cận nguồn vốn, sản xuất nhưng không tiêu thụ được sản phẩm, phải thu hẹp sản xuất nên đã xảy ra tình trạng dư thừa lao động. Số DN đã phá sản, hoặc giải thể thì vẫn còn nợ thuế và không có khả năng nộp thuế, trả nợ ngân hàng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, DN giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 tăng lên rất nhiều so với các năm trước đây, chủ yếu tập trung vào các DN thương mại và xây dựng. Cụ thể, trong năm 2011, toàn tỉnh có 90 DN bị xử lý theo hình thức xóa tên và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó 49 DN giải thể, 41 DN vi phạm pháp luật DN và pháp luật thuế, 25 chi nhánh và 7 văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động. Ngoài ra còn có 1.116 DN ngừng hoặc thu hẹp sản xuất, tập trung vào các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (446 DN), thương mại (323), xây dựng (126); 1.258 DN không đóng thuế, chủ yếu là DN thương mại (684), xây dựng (346), dịch vụ (125).

4 tháng đầu năm 2012, đã có 75 DN gửi thông báo ngưng hoạt động đến cơ quan thuế, 83 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và 31 DN đang làm thủ tục chấm dứt mã số thuế.

(còn nữa)

Lê Ngọc – Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.