Dịch heo tai xanh sẽ còn diễn biến phức tạp
Sau một thời gian tạm lắng, đến nay dịch heo tai xanh đã quay trở lại Dak Lak với một số ổ dịch tại các huyện: Ea Kar, M’Drak, Cư M’gar khiến người chăn nuôi lo lắng. Các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã nhanh chóng khoanh vùng dập dịch, nhưng theo nhận định của cơ quan chuyên môn, dịch có khả năng diễn biến phức tạp, nguy cơ phát sinh các ổ dịch mới vẫn còn khá cao.
Khẩn trương dập dịch
Theo Chi cục thú y: từ ngày 24-5 đến 14-6, sau khi phát hiện tại 2 xã Quảng Tiến, Quảng Phú (huyện Cư M’gar) có heo ốm chết, Chi cục đã lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, kết quả 4/4 mẫu có vi-rút heo tai xanh. Cùng thời gian trên, tại 3 hộ chăn nuôi thuộc thôn 7, thị trấn Ea Knôp (huyện Ea Kar) cũng có hiện tượng heo ốm chết, qua kiểm tra cho thấy heo bị bệnh tai xanh. Ngày 17-6, huyện M’Drak cũng xuất hiện một ổ dịch heo tai xanh tại 1 hộ chăn nuôi ở thôn 9, xã Ea Pil. Đến nay, tổng số heo mắc bệnh là 315 con, đã tiêu hủy 143 con, trong đó huyện Cư M’gar nhiều nhất với 190 con heo mắc bệnh, tiêu hủy 67 con. Nguyên nhân là do năm 2010 trên địa bàn tỉnh có dịch lớn, mầm bệnh cũ vẫn còn, trong khi người dân lại chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu vệ sinh chuồng trại và không chú ý phòng bệnh cho đàn heo, vì vậy bệnh tự bùng phát.
Giữ gìn vệ sinh chuồng trại trong chăn nuôi sẽ góp phần hạn chế dịch bệnh. |
Trước tình hình trên, Chi cục thú y đã cử cán bộ trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo chống dịch; yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các huyện nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Đối với heo bị bệnh nặng lập tức cho tiêu hủy, đồng thời phun thuốc, rắc vôi tiêu độc khử trùng vùng có dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn nông dân cách phòng chống dịch. Ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cho biết: ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại 3 hộ gia đình ở thị trấn Ea Knôp, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện đã nhanh chóng cho khoanh vùng tiêu độc khử trùng và vận động người dân tiêu hủy 60/94 con heo bị bệnh, đồng thời cách ly số heo còn lại để chăm sóc, theo dõi; tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại tại thị trấn Ea Knôp. Huyện cũng đã trích ngân sách trên 60 triệu đồng hỗ trợ cho những hộ này. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức họp các xã, thị trấn để bàn phương án tổng tiêu độc, phòng trừ bệnh tai xanh trên địa bàn toàn huyện. Hiện các ổ dịch đã tạm ổn, không phát sinh thêm heo ốm. Để trấn an tâm lý người chăn nuôi, huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh kiểm tra giám sát việc giết mổ, vận chuyển heo, các sản phẩm từ heo ra vào địa bàn huyện.
Cùng với huyện Ea Kar, các địa phương có heo mắc bệnh tai xanh cũng đã nhanh chóng vào cuộc, khẩn trương khoanh vùng dập dịch không để lây lan sang các hộ chăn nuôi khác hoặc các địa phương lân cận. Với sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của ngành thú y và chính quyền các cấp, đến thời điểm này các ổ dịch cơ bản đã được khống chế, chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.
Nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn cao
Theo nhận định của ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục trưởng Chi cục thú y, mặc dù các ổ dịch cơ bản đã được khống chế, nhưng dịch bệnh vẫn còn khả năng diễn biến phức tạp, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới là khá cao bởi Dak Lak đang trong mùa mưa thời tiết rất thuận lợi cho mầm bệnh phát sinh thành dịch, trong khi ý thức của người dân về phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho đàn heo còn kém, nhất là công tác tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại cũng như lựa chọn con giống. Hiện tại, vắc-xin phòng bệnh chưa có, tỉnh cũng chưa cấp kinh phí để mua hóa chất phục vụ công tác tiêu độc khử trùng; hệ thống tổ chức ngành dọc chưa thông suốt (trạm thú y các huyện, thị xã, thành phố vẫn do địa phương quản lý) nên việc chỉ đạo còn gặp nhiều khó khăn. Với tình hình này, các địa phương đã có và chưa có heo mắc bệnh tai xanh không được lơ là, chủ quan trong việc phòng dịch; cần chuẩn bị sẵn sàng thiết bị vật tư để khi có phát sinh ổ dịch mới sẽ kịp thời ứng phó, không để bùng phát thành dịch lớn như năm 2010.
Hiện đàn heo của tỉnh có khoảng trên 700.000 con, chủ yếu là ở khu vực chăn nuôi nông hộ. Tại thời điểm này người nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn vì hệ lụy của tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, khiến giá heo hơi giảm mạnh, trong khi giá thức ăn lại tăng cao. Dịch heo tai xanh xuất hiện sẽ chồng thêm khó khăn nữa cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, Chi cục thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không nên hoang mang, lo lắng mà cần chú trọng đến công tác phòng dịch, chăn nuôi an toàn sinh học... để bảo vệ đàn heo. Chi cục cũng đã tham mưu cho Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh công bố dịch, đồng thời có văn bản chỉ đạo các trạm thú y huyện tiếp tục giám sát, phát hiện kịp thời các ổ dịch để khoanh vùng, tránh lây lan rộng; tham mưu cho UBND huyện về việc tiêu hủy heo bệnh và hỗ trợ cho người chăn nuôi kịp thời...
Hiện nay cả nước có 8 tỉnh: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Điện Biên, Hà Nội và Bình Dương có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày.
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc