Multimedia Đọc Báo in

Giải pháp để tăng thu ngân sách: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

08:08, 27/06/2012

Mặc dù đã triển khai khá nhiều biện pháp nhưng kết quả thu ngân sách trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2012 vẫn còn thấp xa so với dự toán HĐND tỉnh giao cũng như cùng kỳ năm 2011…

6 tháng đầu năm 2012, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước hơn 1.958 tỷ đồng, xấp xỉ 47% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó, thu thuế, phí, lệ phí khoảng 1.692 tỷ đồng, tương đương 49% dự toán HĐND tỉnh giao, hơn 95% so với cùng kỳ năm trước; thu biện pháp tài chính 259 tỷ đồng, xấp xỉ 37% dự toán, tăng gần 7% so với cùng kỳ; thu thuế xuất nhập khẩu 7,5 tỷ đồng, gần bằng 18% dự toán, tương đương khoảng 36% so với cùng kỳ. Trong tổng số 15 huyện, thị xã, thành phố, chỉ hơn 50% địa phương có số thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm đạt trên 50% dự toán HĐND tỉnh giao; gần một nửa còn lại có số thu rất thấp, thậm chí có những địa phương mới đạt trên dưới 40% dự toán.

Xây dựng cơ bản là một trong những ngành rất cần đẩy nhanh tiến độ  giải ngân vốn đầu tư.                                                                    (Ảnh minh họa)
Xây dựng cơ bản là một trong những ngành rất cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tổng thu ngân sách đạt thấp có nhiều nguyên nhân: thực hiện chính sách giảm, giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), VAT, tiền thuê đất theo chủ trương của Chính phủ; thị trường bất động sản kém sôi động, việc bán đấu giá nhà, đất tại các địa phương gặp khó khăn; giá cà phê những tháng đầu năm nay giảm khoảng 10% so với cuối năm 2011; tình hình kinh tế khó khăn, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế khiến nhiều DN, hộ kinh doanh phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng, nghỉ kinh doanh. Trong năm 2012, số lượng các hộ kinh doanh thuộc diện đưa vào lập bộ thuế môn bài và hộ ổn định thuế (VAT và thuế thu nhập cá nhân) giảm mạnh do nhiều hộ kinh doanh có mức thu nhập dưới mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành. Chẳng hạn, năm 2011 huyện Ea H’leo đưa vào lập bộ 1.334 hộ với tổng số tiền thuế hơn 270 triệu đồng, nhưng năm 2012 chỉ còn chưa đầy 400 hộ, số tiền thuế khoảng 164 triệu đồng, giảm gần 940 hộ và 110 triệu đồng tiền thuế. Tương tự, thị xã Buôn Hồ giảm hơn 130 hộ; huyện Krông Ana giảm gần 280 hộ. Ngoài ra, bộ VAT của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khấu trừ phát sinh trong những tháng đầu năm cũng đạt rất thấp. Cụ thể, tính đến hết quý I-2012, bộ VAT của huyện Cư Kuin chỉ xấp xỉ 47% so với cùng kỳ năm 2011, giảm khoảng 17 tỷ đồng; TP. Buôn Ma Thuột giảm 36 tỷ đồng; huyện Krông Pak giảm 25 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm chủ yếu do  DN (phần lớn là DN xây dựng cơ bản, kinh doanh nông sản), hộ kinh doanh nông sản gặp khó khăn về tài chính, chỉ hoạt động cầm chừng. Bên cạnh đó, tình trạng DN thành lập mới giảm mạnh nhưng DN ngừng, nghỉ kinh doanh lại tiếp tục tăng cũng gây mất một khoản thu ngân sách không nhỏ. Tính đến hết tháng 5-2012, toàn tỉnh chỉ có 250 DN dân doanh đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1.517 tỷ đồng. Trong khi đó có 20 DN bị xử lý theo hình thức xóa tên và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN (tăng 12 DN so với cùng kỳ năm trước); 94 DN tạm ngừng hoạt động, hơn 110 DN bỏ địa chỉ kinh doanh. Theo UBND tỉnh, trong tổng số 6.371 DN trong nước đóng trên địa bàn, hiện chỉ còn khoảng 4.441 DN đang hoạt động. Điều này cho thấy, gần 1/3 số DN đã rời khỏi thị trường (có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn), kéo theo đó là ngân sách cũng bị giảm đi khá nhiều.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan thuế đã triển khai nhiều biện pháp thanh, kiểm tra thu nợ đọng thuế; chống thất thu; tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế... nhưng kết quả thu vẫn đạt thấp so với kế hoạch. Cán bộ một chi cục thuế cho hay: đơn vị này có lúc tổ chức hàng chục cuộc cưỡng chế thu nợ thuế mỗi tháng, tốn rất nhiều công sức nhưng số tiền thu được chẳng đáng kể. Nguyên nhân chính do hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế quá khó khăn, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được!. Điều này cho thấy, việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh đang là yêu cầu bức bách, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tạo ra nguồn thu. Trong những thán cuối năm, giải pháp cơ bản là tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư đối với các công trình, dự án xây dựng cơ bản, có vốn đầu tư ngân sách. Tính đến nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt trên 40%, thấp hơn nhiều  so với cùng kỳ năm trước và yêu cầu thực tế. Việc giải ngân vốn xây dựng cơ bản kịp thời sẽ đem lại nhiều lợi ích, không chỉ sớm đưa công trình vào sử dụng, tránh lãng phí mà còn giúp đơn vị thi công có thêm vốn mua sắm nguyên vật liệu, thuê mướn nhân công, máy móc phục vụ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, góp phần kích thích thị trường vật liệu xây dựng phát triển, giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Các cơ quan chức năng cũng cần nỗ lực nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, xóa bỏ rào cản đầu tư bất hợp lý, tạo mọi điều kiện thuận lợi về hạ tầng, mặt bằng, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước và đầu tư từ nước ngoài; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ...

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc