Liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp: Cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên của Tây Nguyên
Nhìn cánh đồng lúa sau một tháng tuổi của thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (TP.Buôn Ma Thuột) xanh ngắt một màu, ít ai nghĩ rằng trước đây một tháng, vào giai đoạn vừa xuống giống với mật độ thưa thớt nhiều nông dân đã không tránh khỏi lo lắng, e ngại khi mà trước đây bà con đã quen nhìn ruộng mạ dày cứng cùng thời lứa.Lúc ấy, mỗi ngày Ban Quản lý Chương trình “Cánh đồng mẫu lúa nước” nhận hàng chục cuộc điện thoại của bà con trách móc vì lo lắng cho “số phận” của cây lúa trên cánh đồng, nơi mà Ban quản lý là những người “đứng mũi chịu sào” vì đã “cả gan” xây dựng cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên của các tỉnh Tây Nguyên!
Cánh đồng mẫu lúa nước Tân Hưng, xã Ea Kao. |
“Cánh đồng mẫu lúa nước” nói trên được Phòng Kinh tế TP.Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang xây dựng. Sau khi khảo sát, kiểm tra các điều kiện (tưới tiêu, thổ nhưỡng, độ bằng phẳng…) trên cánh đồng cùng sự thống nhất cao của lãnh đạo các bên (Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, UBND TP.Buôn Ma Thuột, UBND xã Ea Kao, cán bộ thôn Tân Hưng) thì cánh đồng mẫu lúa nước thôn Tân Hưng đã ra đời kịp vụ hè thu 2012.
Những ngày triển khai xây dựng Cánh đồng mẫu, Ban Quản lý chương trình gặp không ít khó khăn, từ việc vận động 84 hộ dân, chủ nhân của hơn 10 ha lúa nước trên cánh đồng cùng tập trung gặp gỡ để bàn bạc, trao đổi, thống nhất chương trình đến việc chọn giống lúa mới OM-5953 (có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, có khả năng kháng một số sâu bệnh hại chính, có chất lượng gạo tốt, năng suất cao) gieo cùng lúc cho cả cánh đồng. Bên cạnh đó, trước đây bà con nông dân sản xuất theo tập quán: mạnh ai nấy gieo, muốn gieo giống lúa gì tùy thích, lượng giống gieo sạ nhiều từ 25 – 35 kg/1.000 m2, bón phân tùy tiện, thường bón nhiều đạm, hễ thấy sâu bệnh thì mang thuốc hóa học ra phun... Cách làm này khiến đầu tư nhiều nhưng không đáp ứng nhu cầu sinh lý cây lúa qua từng giai đoạn nên hiệu quả kinh tế không cao. Vấn đề nguy hại không thể đo đếm được là chất lượng lúa gạo không bảo đảm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây ô nhiễm môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái kéo theo dịch hại luôn xảy ra. Cán bộ chương trình đã kiên trì giải thích, phân tích trên cơ sở khoa học một cách logic của việc triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lúa nước” với quy trình sản xuất chỉ có 12kg giống/1000 m2, bằng 40% bình quân lượng giống nông dân đã gieo trước đây, phân bón urê và kali bằng 70% lượng phân bà con đã dùng (urê 20 kg và kali 18 kg/1.000 m2), hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu dựa trên cơ sở sự cân bằng hệ sinh thái... Ngoài ra, nông dân được hướng dẫn làm đất, xử lý đất, ngâm ủ giống, xử lý giống trước khi gieo và gieo sạ cùng lúc....theo đúng qui trình của các nhà chuyên môn. Thời gian đầu sau khi gieo sạ, Ban Quản lý Chương trình lại phải “đau đầu” một lần nữa vì những cơn mưa mùa hè Tây Nguyên đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mạ trên những chân ruộng không được bằng phẳng. Cán bộ chương trình lại phải ra đồng dù mưa hay nắng, lại tiếp tục giải thích, hướng dẫn bà con khắc phục những rủi ro do thời tiết gây ra. Hầu như mỗi ngày trên mỗi bờ thửa của cánh đồng đều có bước chân của anh em cán bộ FF (Friend Famer) của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, những người trực tiếp phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật thành phố tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi quá trình sản xuất lúa của nông dân.
Đến nay, sau một tháng kể từ ngày xuống giống, nhìn những cây lúa khỏe khoắn trên những chân ruộng xanh mướt, anh em cán bộ chương trình đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Các cán bộ đã thuộc từng ô ruộng trên cánh đồng, thuộc tên từng hộ nông dân tham gia, chỉ cần cây lúa có triệu chứng “khác thường” là chủ ruộng đã được hướng dẫn tác động khắc phục kịp thời. Đặc biệt là đến giờ trên cả cánh đồng chưa dùng một giọt thuốc hóa học nào để xử lý sâu bệnh. Còn sớm để khẳng định thành công của chương trình “Cánh đồng mẫu lúa nước” này, tuy nhiên với đà sinh trưởng tốt của lúa như hiện nay, nếu trong những ngày cuối tháng 8-2012 (thời kỳ lúa thụ phấn) không có những cơn mưa tập trung, kéo dài vào buổi sáng thì tin rằng thôn Tân Hưng sẽ có một vụ mùa bội thu với hiệu quả kinh tế cao. Ước tính lãi tăng thêm so với cách sản xuất truyền thống của nông dân trước đây là khoảng 90 triệu đồng trên 10 ha (trong đó lượng giống giảm tương đương 27 triệu đồng, giảm 1 lần phun thuốc trừ sâu tương đương 3 triệu và tăng năng suất 10 tấn lúa tương đương 60 triệu đồng, chưa tính giảm phân bón). Nếu chỉ 30% diện tích lúa nước của tỉnh (24.000 ha) được triển khai thực hiện theo chương trình “Cánh đồng mẫu lúa nước”, dự kiến mỗi năm sẽ tăng thêm thu nhập cho nông dân tương đương hơn 21 tỷ đồng.
Sự thành công của “Cánh đồng mẫu lúa nước” đầu tiên tại Buôn Ma Thuột sẽ có ý nghĩa to lớn trong việc phối hợp bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) chung tay xây dựng nông thôn mới, mở đầu cho việc phát triển các chương trình phối hợp xây dựng nông thôn mới về sau.
Cẩm Lai
Ý kiến bạn đọc