Nỗ lực khôi phục, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Yang Mao
Trong những năm gần đây, các nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm ở các buôn đồng bào dân tộc thiểu số huyện Krông Bông đang có nguy cơ bị mai một. Cùng với các xã Ea Trul, Dang Kang, Hòa Phong thì xã Yang Mao (Krông Bông) cũng đang nỗ lực tìm những giải pháp nhằm khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm.
Amí B’Lý ở buôn Mnang Dơng bên khung dệt tại gia đình. |
Yang Mao hiện có 8 buôn đồng bào dân tộc Êđê và M’nông với 667 hộ, 3.768 khẩu. Người dân chủ yếu làm nương rẫy, không có nghề phụ. Hiện tại cả xã còn gần 30 người duy trì được nghề dệt thổ cẩm, rải rác ở các buôn Tul, buôn Mnang Dơng, buôn Kuanh, buôn Hàng Năm... Amí Khoa, người dệt thổ cẩm lâu năm ở buôn Mnang Dơng vẫn duy trì được khung dệt tâm sự: “Ở xã Yang Mao, rất nhiều phụ nữ biết dệt thổ cẩm, sản phẩm làm ra chủ yếu may váy áo, khố, chăn đắp, khăn, túi xách. Bây giờ lớp trẻ trong buôn không mặn mà với đồ thổ cẩm. Tuy nhiên nhiều người già ở đây vẫn còn nhu cầu sử dụng, nhất là vào các dịp lễ hội, ma chay, cưới hỏi. Họ vẫn luôn trân trọng, nâng niu, giữ gìn những bộ váy áo truyền thống nên những lúc rảnh rỗi, chị em vẫn dệt chăn, khăn, vải may váy áo… để dùng trong gia đình”. Buôn Tul, buôn Mnang Dơng và buôn Hàng Năm là những buôn còn nhiều người duy trì được khung dệt. Buôn Tul có 8 người già và 5 thanh niên thường xuyên dệt mỗi khi nông nhàn. Cô gái trẻ H’Lương Mlô cho biết: “Trong buôn còn rất nhiều người già dệt thổ cẩm. Vừa qua em cũng được tham gia lớp học dệt thổ cẩm 2 tháng ở xã. Làm xong công việc rẫy nương em lại cùng mẹ dệt vải để may váy áo, chăn đắp dùng trong gia đình và tặng nhà trai khi lấy chồng. Em đã dệt được 2 tấm chăn và nhiều tấm vải rồi đấy”.
Mặc dù kinh tế - xã hội địa phương còn nhiều khó khăn nhưng việc phát triển nghề dệt thổ cẩm vẫn được chính quyền xã Yang Mao rất quan tâm. Ông Y Nguyên Byă, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, xã Yang Mao đang nỗ lực để phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống vì tỷ lệ phụ nữ biết dệt ở địa phương rất cao, thời gian nông nhàn của chị em nhiều do không có nghề phụ gì ngoài làm nương rẫy. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp gặp nhiều khó khăn. Người biết dệt thổ cẩm ở rải rác các buôn nên chưa thành lập được tổ hợp tập trung; sản xuất còn manh mún, tự phát, tự cung, tự cấp; không có nguồn vốn hỗ trợ; chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm trong khi nguyên liệu (chỉ) đắt… Khó khăn nhất vẫn là nhu cầu sử dụng thổ cẩm của đồng bào không còn như xưa nữa. Năm 2010, xã đã mời giáo viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên về mở 2 lớp dệt thổ cẩm, thu hút gần 40 học viên là người dân tộc M’nông tham gia. Ngoài ra, cán bộ phụ nữ và các đoàn thể của xã còn thường xuyên đến từng gia đình để thăm và động viên mọi người duy trì nghề dệt để phục vụ nhu cầu của gia đình. Ông Y Nguyên cho biết thêm: “Trong thời gian tới, xã dự định thành lập tổ hợp dệt thổ cẩm nhỏ, hỗ trợ về kỹ thuật, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra, xây dựng kế hoạch để phát triển nghề dệt thổ cẩm một cách quy mô, bài bản và lâu dài…”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc