Multimedia Đọc Báo in

Phá vỡ quy hoạch nông nghiệp: Hậu quả khó lường!

06:23, 03/07/2012

Sản xuất nông nghiệp Dak Lak đang có bước phát triển vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào GDP của tỉnh. Theo đó, ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân. Thế nhưng, đó cũng là nỗi lo của các nhà quản lý về tình trạng phá vỡ quy hoạch của một số loại cây trồng như: sắn, tiêu, cà phê, dưa hấu... khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp vốn đang  thiếu bền vững lại càng bấp bênh hơn!

Từ bài học nhãn tiền

Có lẽ nhiều nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nguôi nỗi buồn đắng lòng của một mùa sắn thất bát vừa qua vì giá quá thấp. Hình như chưa năm nào diện tích sắn lại tăng nhanh, dẫn đến sản phẩm sắn  lát được nông dân phơi nhiều đến vậy, có nơi người ta “phơi sắn” từ trong sân cho tới ngoài đường vì… không có ai thu mua! Nguyên nhân là năm 2010 giá sắn tăng cao, nhiều nông dân bỗng dưng thu được tiền triệu, thậm chí tiền tỷ, khiến nhiều người đổ xô trồng theo. Tại huyện Ea Kar, nếu như diện tích sắn năm 2010 chỉ 4.300 ha thì đến năm 2011 đã tăng lên 6.400 ha, sản lượng đạt gần 170.000 tấn. Trong khi đó, trên địa bàn huyện chỉ có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn, công suất 100.000 tấn nguyên liệu/năm, khiến cung vượt quá cầu, giá sắn xuống thấp, và người hứng chịu hậu quả đầu tiên không ai khác chính là những người trồng sắn. Không có nhà máy chế biến hay giao thông thuận tiện như Ea Kar, nhưng người dân huyện Ea Súp, Buôn Đôn cũng đua nhau trồng làm cho diện tích sắn trên địa bàn tăng chóng mặt. Theo phòng NN-PTNT huyện Ea Súp: trong năm 2010, diện tích sắn toàn huyện mới chỉ đạt 1.500 ha, đến năm 2011 đã vọt lên trên 4.000 ha. Và hậu quả là niên vụ sắn vừa rồi nhiều nông dân dở khóc, dở cười vì giá sắn đã xuống mức 1.000-1.200 đồng/kg sắn tươi và 3.000-3.500 đồng/kg sắn khô (giảm một nửa so với năm 2010) trong khi đó giá vật tư, chi phí thu hoạch, vận chuyển tăng cao, khiến người trồng sắn thua lỗ nặng. Cũng theo Sở NN-PTNT, niên vụ sắn 2011 – 2012 toàn tỉnh đã trồng trên 30.000 ha, tăng gần 30% so với niên vụ trước, điều đó đưa đến hệ lụy nông dân thì lao đao mà quy hoạch cơ cấu cây trồng của tỉnh bị phá vỡ, nhiều diện tích hoa màu bị thu hẹp, nhường chỗ cho cây sắn.

Giá tiêu lên cao khiến nông dân đua nhau trồng tiêu bất chấp những khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Giá tiêu lên cao khiến nông dân đua nhau trồng tiêu bất chấp những khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Hậu quả của việc phát triển diện tích sắn ồ ạt không theo quy hoạch ai cũng đã thấy rõ, thế nhưng giờ đây cây tiêu lại đang bước vào vết xe đổ của cây sắn khi giá tiêu lên ngôi. Với mức giá đỉnh trên 100.000 đồng/kg, khiến nhiều nông hộ đua nhau mở thêm diện tích, thậm chí chặt bỏ cà phê và lấn chiếm đất rừng để trồng tiêu. Tình trạng trên đang trở thành “cơn sốt” tại nhiều địa phương được coi là vùng trọng điểm tiêu của Dak Lak như Krông Buk, Krông Năng, Ea H’leo, Cư M’gar, Cư Kuin…, khiến diện tích tiêu tăng vọt, trong khi theo quy hoạch thì diện tích trồng tiêu của tỉnh chỉ ở mức 5.000 ha, nhưng hiện đã lên khoảng 6.000 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Đến những điều cảnh báo

Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cảnh báo: khi quy hoạch trồng trọt bị phá vỡ thì sẽ nảy sinh hàng loạt vấn đề quan ngại, trước hết là vấn đề cung-cầu. Một khi cung vượt cầu thì điều tất yếu xảy ra là giá giảm xuống, nông sản không có đầu ra, sản xuất trở nên bấp bênh, kém hiệu quả; Chưa kể, chất lượng sản phẩm cũng sẽ khó cạnh tranh với nông sản cùng loại của các nước trên thế giới vì họ làm tốt hơn ta. Thêm một vấn đề đáng quan tâm nữa là việc canh tác xô bồ, thiếu đầu tư chiều sâu khiến tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ, nhanh suy thoái, bạc màu… Để hạn chế rủi ro cho người nông dân, năm nào Sở NN-PTNT cũng đưa ra những cảnh báo về tình trạng tăng diện tích của một số loại cây trồng, đồng thời định hướng cho các địa phương phát triển các loại cây trồng phù hợp, tuy nhiên cũng chỉ mới dừng ở mức khuyến cáo, định hướng bằng cơ chế chính sách, khuyến khích bằng vốn vay, công nghệ, bảo hiểm... chứ không thể đưa ra các biện pháp xử lý mạnh tay, bởi người nông dân có quyền tự chủ trên mảnh đất của mình và hoạt động sản xuất của họ bị chi phối bởi yếu tố giá cả thị trường.

Nông dân đổ xô trồng sắn khiến diện tích quy hoạch sắn của tỉnh bị phá vỡ.
Nông dân đổ xô trồng sắn khiến diện tích quy hoạch sắn của tỉnh bị phá vỡ.

Theo ông Nguyễn Văn Hà, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ea Kar: chia sẻ, để người dân thực hiện theo quy hoạch là chuyện rất khó, do vậy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là cung cấp thông tin giá cả, thị trường, sản lượng các loại nông sản cùng loại của các nước trên thế giới để người dân kịp nắm bắt và có cái nhìn bao quát hơn, từ đó xác định nên đầu tư phát triển loại cây trồng nào. Bên cạnh đó, cần tăng cường hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để tạo đầu ra ổn định và phát triển vùng nguyên liệu bền vững; sớm tháo gỡ những vướng mắc từ các chính sách hỗ trợ nông dân (nhất là về vốn) để họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư công nghệ kỹ thuật…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc