Phân bón tăng giá: Nỗi lo thường trực của nông dân
Hằng năm, cứ đến đầu mùa mưa thì nhu cầu sử dụng phân bón cho cây trồng của người dân trong tỉnh lại tăng mạnh. Đây cũng là cơ hội để các đại lý, doanh nghiệp đồng loạt đẩy giá phân bón lên cao, khiến bà con nông dân không khỏi lo lắng.
Giá phân bón hiện tăng khá cao nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bán chạy hàng do sản xuất đang vào thời vụ. |
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Dak Lak: kế hoạch vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh sẽ gieo trồng trên 55.000 ha lúa, và trên 138.000 ha cây trồng khác. Theo đó, nhu cầu sử dụng phân bón đợt 1 trên cây trồng (kết hợp nhiều loại) được tính toán như sau: cây lúa bón khoảng 2,5- 3 tạ/ha, hoa màu 1,5-2 tạ/ha). Đầu mùa mưa cũng là thời điểm tốt nhất để bà con tập trung bón thúc cho các loại cây trồng lâu năm khác như cà phê, tiêu, cây ăn quả bón từ 5-7 tạ/ha/đợt… Trong khi đó, các loại phân bón trên thị trường hiện nay vẫn không ngừng tăng giá, nhất là phân nhập khẩu, tăng từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, còn phân bón sản xuất trong nước bán tại địa bàn Dak Lak cũng có giá khá cao. Thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, phân urê Phú Mỹ có giá 530 nghìn đồng/bao, nay đã tăng vọt lên 610 nghìn đồng/bao (loại 50 kg); các loại phân khác như NPK Đầu Trâu màu vàng 16-8-16, NPK Đầu Trâu màu xanh 16-16-13, NPK Việt - Nhật… có giá dao động từ 600 nghìn đồng đến 715 nghìn đồng/bao (loại 50 kg), tăng từ 35.000-45.000 đồng/bao so với thời điểm cuối tháng 5. Chị Lê Thị Lan Anh, một chủ đại lý phân bón tại thị xã Buôn Hồ cho biết: trước đây, mỗi khi bước vào vụ sản xuất mới là giá phân bón các loại có tăng nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 5.000-10.000 đồng/bao (loại 50 kg), đến nay mới đầu vụ hè thu mà giá phân đã tăng ngất ngưởng, trung bình từ 15-25% so với 2 tháng trước đó. Mặc dù phân bón tăng giá, nhưng người dân vẫn phải mua về bón cho cây trồng để kịp thời vụ. Chị Trần Thị Minh, chủ đại lý phân bón ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng cho hay: hơn một tháng nay, nhu cầu mua phân bón cho cây cà phê, lúa nước của bà con trên địa bàn tăng mạnh, nhiều hôm các đại lý không còn hàng để bán, nhất là phân urê, NPK, Sunphat S.A… Nguyên nhân do sức mua lớn, chi phí vận chuyển từ các cảng biển lên khu vực Tây Nguyên cao lại gặp khó khăn bởi giao thông cách trở. Bên cạnh đó, không loại trừ trường hợp một số đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón lợi dụng sức mua tăng để tăng giá trục lợi bất chính, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Phân bón tăng giá khiến chi phí đầu tư cho cây trồng đang trở thành gánh nặng đè lên vai người nông dân. Đối với cây cà phê, bình quân mỗi ha phải bón từ 1-1,5 tấn phân vô cơ/đợt (mỗi năm 2-3 đợt) tương đương 1,5-2 triệu đồng/ha. Trong khi đó, phần lớn bà con đã bán hết cà phê nhân ngay sau khi thu hoạch xong (tháng 4), đến nay nguồn vốn đầu tư mua phân bón chủ yếu là vay nợ lãi. Gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn vào thời điểm này năm trước đã mua được hai tấn phân vô cơ, còn năm nay chỉ đủ tiền mua một tấn, ông tỏ ra lo lắng: mọi chi tiêu gia đình chỉ trông chờ vào rẫy cà phê, thu hoạch xong là bán hết để trả nợ và lo các khoản chi phí khác, đến nay ông dự định phải vay vốn ngân hàng để mua phân. Bên cạnh đó, với những người dân trồng lúa, thì giá lúa bán ra hiện khá thấp (5.200-5.700 đồng/kg). Anh Nguyễn Đình Công, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana phân trần: vụ hè thu hằng năm gia đình anh gieo cấy 2ha lúa, nhưng năm nay chỉ gieo khoảng 1 ha. Với giá phân bón như hiện nay, mỗi ha lúa anh phải chi 2,5-3 triệu đồng mua phân bón; nếu chăm bón tốt thì bình quân 1ha thu hoạch được 6-6,5 tấn, tương đương với khoảng 3-3,5 triệu đồng, nếu tính luôn cả tiền thuê máy móc cày xới, nhân công làm cỏ, thu hoạch (hiện cũng tăng cao) thì người trồng lúa không có lãi. Bên cạnh nỗi lo giá tăng, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả, nhái nhãn hiệu… xuất hiện khá nhiều trên thị trường (Báo Dak Lak đã phản ánh qua các số ra ngày 7, 8, 9 tháng 11 năm 2011) cũng làm cho bà con nông dân càng thêm lo lắng. Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: để bảo đảm kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh đề ra, giảm tối đa chi phí sản xuất cây trồng của người nông dân, Sở NN-PTNT tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ chất thải gia súc, từ nguồn cây xanh bón cho đồng ruộng; đồng thời triển khai có hiệu quả chương trình “ba giảm, ba tăng” (giảm: lúa giống, thuốc trừ sâu, phân đạm; tăng: năng suất lúa, chất lượng gạo, lợi nhuận kinh tế). Mặt khác cùng phối hợp với các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất giúp nông dân giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn tăng được lợi nhuận.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc