Tình hình dịch bệnh ở vật nuôi: Vẫn diễn biến phức tạp
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ở tỉnh ta vẫn diễn biến khá phức tạp, gây khó khăn cho ngành nông nghiệp tỉnh nói chung và thiệt hại không nhỏ đối với kinh tế của người dân nói riêng. Vì vậy, để phòng chống dịch bệnh một cách triệt để, kịp thời thì trước mắt ý thức, tập quán chăn nuôi của người dân cần phải được thay đổi; đồng thời, các ban, ngành chức năng cũng nên vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt hơn.
Dịch bệnh ở vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp
Trong quá trình chăn nuôi, việc phát sinh dịch bệnh là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với diễn biến phức tạp như những năm gần đây lại là điều đáng lo ngại đối với ngành chức năng cũng như người chăn nuôi. Theo thống kê sơ bộ: toàn tỉnh hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 213.000 con, heo là 705.300 con và gần 8 triệu con gia cầm các loại, với tốc độ tăng đàn bình quân hằng năm từ 5 - 7%. Kèm theo việc tăng số lượng gia súc gia cầm là khả năng bùng phát dịch bệnh cũng có chiều hướng tăng cao, nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời, hiệu quả. Qua báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh cho thấy: thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tăng đột biến, với cả 3 loại chính là cúm gia cầm, lở mồm long móng (ở trâu, bò, heo) và heo tai xanh, còn với những bệnh thông thường khác như tiêu chảy, giun sán, thương hàn… đều nằm trong khả năng khống chế của ngành. Đỉnh điểm vào năm 2010, dịch heo tai xanh đã bùng phát và hoành hành tại 149/184 xã, phường thuộc 14/15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, với số heo nhiễm dịch là 106.103 con; dịch lở mồm long móng ở trâu, bò, heo và cúm H5N1 ở gia cầm cũng không có chiều hướng suy giảm. Vì vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, Dak Lak vẫn là một trong những tỉnh xuất hiện dịch bệnh ở vật nuôi nhiều nhất nước; từ đầu năm 2012 đến nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trong tỉnh đang có xu hướng bùng phát trở lại và diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác tại một vài địa phương; lở mồm long móng tái phát tại 11 xã thuộc 4 huyện và thành phố là Krông Năng, Krông Bông, Ea Súp và Buôn Ma Thuột, làm 218 trâu bò, 121 con heo bị mắc bệnh. Riêng dịch heo tai xanh, đến cuối năm 2010 đã hoàn toàn được khống chế, một thời gian dài của năm 2011, toàn tỉnh đã không xảy ra trường hợp nào; thì đến nay lại đang tái xuất hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2012, ngành chức năng đã thống kê được 5 xã thuộc 3 huyện là: M’Drak, Ea Kar, Cư M’gar xảy ra dịch heo tai xanh, nhưng đến ngày 23-7-2012 đã lan rộng thành 7 huyện và thành phố trong tỉnh với 2.156 con heo mắc bệnh, 21.324,3 kg heo bị tiêu hủy, song con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Việc vận động người dân thay đổi tập quán chăn nuôi theo hình thức thả rông còn gặp nhiều khó khăn |
Nguyên nhân phát sinh
Theo nhận định của các nhà chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến việc tái phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là do mầm bệnh cũ sau khi đã bị khống chế vẫn còn ký sinh trên gia súc, gia cầm đã khỏi bệnh về triệu chứng, hoặc lẫn trong môi trường, khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ bùng phát. Bên cạnh đó, nguyên nhân trực tiếp khiến dịch bệnh phát sinh, phát triển là do ý thức chủ quan của người dân, (mà phần lớn là tập quán chăn nuôi còn khá lạc hậu) dẫn đến vật nuôi dễ phát sinh mầm bệnh và phát tán thành dịch. Cụ thể: đối với trâu, bò, bà con vẫn giữ hình thức chăn nuôi thả rông ngoài đồng, trên đồi, nơi tập trung nhiều đàn gia súc với nhau, lẫn trong đó có cả những gia súc đã và đang mắc bệnh. Qua đường tiêu hóa, vật nuôi mang ký sinh trùng có thể thải mầm bệnh ra ngoài môi trường, theo nguồn phân, nước, cỏ… sẽ phát sinh, lây lan sang vật nuôi khác. Mặt khác, hiện nay việc quy hoạch chuồng trại chăn nuôi vẫn chưa được người dân đầu tư đúng mức, phần lớn còn khá thô sơ, ẩm thấp, đặc biệt là nơi nuôi nhốt trâu, bò; ngoài thời gian chăn thả rông trên đồi thì buổi tối về nhà cũng thường bị cột ngoài trời, mặc cho trời mưa gió hay giá rét. Còn đối với chuồng trại chăn nuôi heo, gà thì được bà con xây dựng kiên cố hơn, có mái che chắn cẩn thận, song khâu vệ sinh vẫn còn kém, phân, nước thải chăn nuôi chưa được chú trọng xử lý hiệu quả mà thường thải trực tiếp ra môi trường, sông, suối, hồ… Theo đó, vào mùa nắng thì ruồi nhặng bu bám, mưa xuống là biến thành khu sình lầy, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát sinh, phát tán mầm bệnh từ vật nuôi này sang vật nuôi khác. Chưa kể, nhiều khu chuồng trại được làm ngay cạnh khu vực sinh sống, nguồn nước ăn uống của con người gây nên không ít những bất cập, dễ lây lan bệnh cho người nhất là dịch cúm ở gia cầm, bệnh dịch tả, sốt xuất huyết ở trâu bò… Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục phó Chi cục thú y tỉnh cho biết: điều khiến vật nuôi dễ phát sinh mầm bệnh là phần lớn bà con vẫn chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ tại các nông hộ, hoặc nuôi theo mô hình gia trang nhỏ ít, không chú trọng đến công tác tiêm phòng dịch bệnh định kỳ cho đàn vật nuôi; đến khi phát hiện bệnh dịch thì đã muộn. Tất cả những lý do trên đã khiến việc chăn nuôi của người dân khó phát triển bền vững. Đã đến lúc cần phải thiết lập lại mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp, khoa học và hiệu quả.
Chủ động, tập trung phòng chống dịch bệnh
Những năm qua, ngành thú y tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh ở vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, ngoài công tác tuyên truyền (qua các kênh báo chí, đài phát thanh - truyền hình tỉnh, địa phương, panô tuyên truyền đến tận cơ sở thôn buôn), mở các lớp hội thảo về khoa học kỹ thuật trong chăm sóc vật nuôi… ngành thú y tỉnh còn đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng phát sinh và lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, công tác phòng chống dịch bệnh bằng hóa chất cũng được chú trọng nhất là ở các vùng đã và đang phát sinh dịch bệnh. Năm 2010, ngành thú y đã sử dụng 25.501 lít hóa chất (gồm 2 loại Benkocid và Haniodine); còn riêng từ đầu năm 2012 đến nay cũng đã sử dụng trên 10.000 lít hóa chất trên để tiến hành phun, ủ với vôi bột nhằm tiêu khử độc, phòng chống dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm, trong khu vực chăn nuôi, nơi sinh sống của người dân trên phạm vi toàn tỉnh.
Tuy nhiên, để phòng chống và xử lý hiệu quả nhất tình hình dịch bệnh trên vật nuôi, thì người dân cần thay đổi tập quán chăn nuôi, đồng thời nâng cao ý thức, áp dụng hiệu quả những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống và nhất là công tác phòng ngừa dịch bệnh. Cụ thể, chuyển dần tập quán chăn nuôi trâu, bò thả rông sang nuôi nhốt tập trung theo dạng mô hình trang trại. Đôi với heo, gia cầm các loại thì tập trung đầu tư chuồng trại kiên cố, với quy mô công nghiệp; chú trọng vệ sinh chuồng trại hợp lý; thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi hiệu quả… Trường hợp phát hiện bệnh có nguy cơ lây lan thành dịch cần sớm báo lên chính quyền địa phương, ngành chức năng nơi gần nhất như Trạm thú y huyện để kịp thời kiểm tra xử lý, tránh lây lan ra diện rộng. Đối với các địa phương, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát ngành chăn nuôi địa phương; phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các ban, ngành chức năng cấp huyện, tỉnh tuyên truyền, phổ biến các hình thức, mô hình chăn nuôi hiệu quả, thực hiện phòng chống dịch bệnh triệt để hơn, hướng đến một ngành chăn nuôi bảo đảm an toàn sinh học, hiệu quả, bền vững.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc