Multimedia Đọc Báo in

Nâng cấp chuỗi giá trị cà phê: Còn nhiều thách thức

11:12, 30/07/2012

Ngành sản xuất cà phê tại Dak Lak đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 300.000 công nhân trực tiếp sản xuất và gần 200.000 lao động có liên quan đến cây cà phê. Hiện tại và nhiều năm đến, cây cà phê vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển bễn vững, vấn đề nâng cấp chuỗi giá trị cà phê vẫn còn nhiều việc phải tiến hành…

Liên kết... yếu

Mặc dù là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, nhưng trên thực tế hiệu quả sản xuất của ngành cà phê Dak Lak chưa cao, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp so với tiềm năng do chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới. Giá cà phê xuất khẩu luôn thấp hơn mức giá bình quân của thế giới từ 50-150 USD/tấn. Đây là một thiệt thòi lớn cho Dak Lak- thủ phủ cà phê của cả nước.

Các hộ trồng  cà phê cần  liên kết với nhau để  nâng cấp chuỗi giá trị  cà phê.
Các hộ trồng cà phê cần liên kết với nhau để nâng cấp chuỗi giá trị cà phê.

Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam: năm 2011 Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê với 1,1 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, nhưng chỉ chiếm khoảng 2% doanh số của cả ngành công nghiệp cà phê thế giới. Điều này cho thấy Việt Nam đang nắm phân khúc thấp nhất trong toàn chuỗi giá trị gia tăng cà phê. Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề trên? Theo các nhà chuyên môn: trước hết đó là do đặc thù sản xuất cà phê ở Việt Nam nói chung và Dak Lak nói riêng còn nhỏ lẻ, manh mún. Theo đó, mỗi nông hộ quản lý vườn cà phê theo cách riêng của mình nên cà phê nhân sản xuất ra có chất lượng không đồng đều, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng nên giá bán không được cao. Về lâu dài phương pháp sản xuất này sẽ là một trở ngại lớn trong việc áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật, cải thiện chất lượng cà phê. Thêm vào đó, mối liên kết, hợp tác giữa những người sản xuất cà phê chưa được thiết lập, sự liên kết giữa các thành phần trong chuỗi giá trị gồm người trồng cà phê, thu gom, chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng còn rời rạc. Người dân thường bán cà phê ngay sau khi thu hoạch để có vốn tái đầu tư, nhiều trường hợp khi giá cà phê tăng cao thì người dân không còn cà phê để bán. Bên cạnh đó, khả năng tài chính của nhà thu mua còn hạn hẹp nên không thu mua hết sản phẩm trong dân; tình trạng tranh mua, tranh bán thường xảy ra đã tạo điều kiện cho các công ty nhập khẩu nước ngoài hưởng lợi.

Để khắc phục những hạn chế trên, nhiều liên minh sản xuất cà phê bền vững được ra đời trong khuôn khổ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak và đã liên kết được nhiều hộ trồng cà phê lại với nhau, tổ chức sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế UTZ, bước đầu đem lại kết quả khả quan. Tuy nhiên, các liên minh trên chỉ mới ở quy mô nhỏ, liên kết vài trăm hộ trong hàng trăm nghìn hộ trồng cà phê, vì vậy khó hy vọng sẽ làm thay đổi toàn cục diện của việc sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh.

Cần một chiến lược

Có nhiều việc phải làm để nâng cấp chuỗi giá trị cà phê, trước hết là tổ chức lại sản xuất, trong đó chú trọng đến việc khuyến khích nông dân liên kết với nhau và với doanh nghiệp; xây dựng mô hình canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt trên vườn cà phê tại các địa phương nhằm giúp nông dân tham gia chuỗi giá trị, áp dụng tiến bộ khoa học vào vườn cà phê của gia đình. Bên cạnh việc tăng cường tập huấn cho nông dân cách tiếp nhận thông tin về thị trường cà phê trong tỉnh, trong nước và thế giới còn phải cải thiện chuỗi thu mua gọn nhẹ để người nông dân có thể bán trực tiếp cho đại lý, công ty thông qua hợp đồng, như vậy mới giảm được sự chênh lệch giá từ công ty thu mua đến nông dân…

Ông Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên phân tích: Một nguyên tắc để nâng cấp chuỗi giá trị là lợi nhuận phải được chia sẻ và làm sao cho sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao, bán được giá cao để có giá trị gia tăng cao. Khi giá trị gia tăng cao này được chia sẻ một cách công bằng, từ nhà vận hành chuỗi, từ nông dân và nhà chế biến, xuất khẩu thì sự liên kết này mới bền vững, chặt chẽ. Một khi liên kết không chặt chẽ thì tạo ra ít giá trị gia tăng và giá trị gia tăng cuối cùng cũng không có bởi nông dân không quan tâm đúng mức đến chất lượng, trong khi đó, muốn có giá trị gia tăng thì yêu cầu đầu tiên chất lượng sản phẩm phải cao. Trong chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng cà phê nếu có sự điều phối, đầu tư thích đáng của nhà nước để tổ chức lại sản xuất và tạo mối liên kết thì chắc chắn việc xuất khẩu cà phê Dak Lak sẽ có những bước tiến vượt bậc.

Vì vậy, việc gắn kết các liên minh sản xuất cà phê sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương nhận thấy những vướng mắc trở ngại cũng như nhận thấy rõ hơn những điểm mạnh để thực hiện nâng cấp chuỗi giá trị cà phê có hiệu quả hơn…

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.