Huyện Lak: Các dự án định canh định cư vùng dân tộc thiểu số bị chậm tiến độ
Trên địa bàn huyện Lak đang triển khai 3 dự án định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và ổn định dân di cư tự do. Các dự án này bắt đầu thực hiện từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai các dự án này vẫn rất ì ạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Điểm trường tại thôn Dak Sah, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Dak Nuê, huyện Lak còn rất tạm bợ. Ảnh: Minh Thông |
Điểm tái định cư buôn Đạ San cách trung tâm xã Dak Nuê (huyện Lak) hơn 25 km, là nơi định cư mới của bà con dân tộc M’nông, Êđê, Mông không có đất sản xuất ở các xã Bông Krang, Dak Liêng, Nam Ka. Do tách hộ mà không có đất sản xuất nên bà con đã đến đây khai hoang, sản xuất từ đầu những năm 2000. Gần chục năm sinh sống và sản xuất tại đây nhưng cuộc sống của bà con vẫn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì: nhà ở chỉ là tre nứa dựng tạm, không điện, không nước sạch, không trường học và đường đi lại thì do đi lâu ngày mà thành lối, mùa mưa rất lầy lội. Đất sản xuất do bà con tự khai hoang, mỗi hộ được 5-7 sào nhưng chỉ sản xuất được 1 vụ do phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Đến nay, điểm tái định cư này đã có xấp xỉ 500 hộ, kể cả dân tộc thiểu số tại chỗ và dân di cư tự do nhưng phần lớn vẫn thuộc diện hộ nghèo. Trẻ em ở đây muốn đi học thì cha mẹ phải đưa về buôn cũ, ở nhờ nhà họ hàng để đi học. Sau khi đi giám sát thực tế tại khu tái định cư này, bà Bùi Thị Kim Nga, Trưởng ban Dân tộc, HĐND tỉnh đã đề nghị: “Trong số 13 hạng mục công trình của dự án này, cần triển khai sớm 4 hạng mục trong năm nay là: trường mầm non, phân hiệu trường tiểu học, đường giao thông và kéo điện lưới cho khu tái định cư Đạ San”.
Điểm tái định cư Đạ San là một trong những địa điểm cần được đầu tư thuộc dự án bố trí, sắp xếp dân di cư tự do và thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Dak Nuê. Đến nay, sau 3 năm triển khai, dự án này mới được phê duyệt 8 trong 13 hạng mục công trình và đã được cấp gần 26 tỷ trong tổng số hơn 49 tỷ dự kiến đầu tư. Ngoài ra, tại huyện Lak cũng đang triển khai 2 dự án định canh định cư khác, gồm: dự án định canh định cư buôn Lách Ló, xã Nam Ka và dự án ổn định dân di cư tự do xã Krông Nô. Tuy nhiên, đến nay, dự án ổn định dân di cư tự do xã Krông Nô mới chỉ phê duyệt 4 trong tổng số 9 hạng mục công trình, đã bố trí được 14 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư gần 36 tỷ đồng; dự án buôn Lách Ló thì cũng mới phê duyệt 3 trong 8 hạng mục công trình với nguồn vốn đã bố trí chỉ hơn 8 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư hơn tỷ 53 tỷ đồng; Giải thích cho sự chậm trễ triển khai các dự án trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Quốc Đông, Trưởng Ban Quản lý dự án huyện Lak cho biết: “Dự án Lách Ló do nguồn vốn bố trí ban đầu quá thấp so với tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, buôn này nằm trong vùng lõi của rừng đặc dụng Nam Ka nên phải làm thủ tục chuyển đổi, thu hồi đất của rừng đặc dụng Nam Ka giao về cho huyện Lak triển khai dự án. Hiện nay, tình hình triển khai dự án ở Lách Ló mới chỉ triển khai ở mức xét thầu và triển khai đầu tư trong tháng 6 vừa qua. Đối với dự án Dak Nuê, do chủ đầu tư trước đây khảo sát, lập dự án không đầy đủ, đến khi phê duyệt cũng không có phần kinh phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng. Vì thế, huyện phải bổ sung sau này, đến nay, công tác đo, thu hồi đã xong, đang trình UBND huyện phê duyệt”. Còn ông Nguyễn Như Quyền, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: cái vướng lớn nhất là các dự án không có mặt bằng để triển khai xây dựng, trong đó có phần trách nhiệm của chủ đầu tư đã không làm tốt công tác khảo sát, lập dự án ban đầu dẫn đến việc phải mất nhiều thời gian để làm lại mới được cấp kinh phí thực hiện. “Vấn đề này chúng tôi đã có báo cáo với UBND tỉnh và kiến nghị UBND tỉnh chủ trì làm việc với huyện để làm sao có hướng tháo gỡ”, ông Quyền nói.
Bích Tâm
Ý kiến bạn đọc