Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình Liên minh sản xuất cà phê bền vững xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột)

08:10, 18/09/2012

Liên minh sản xuất cà phê bền vững xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập từ năm 2011, với 2 tổ sản xuất, gần 50 hộ tham gia trên tổng số 100 ha. Đến nay, tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững đã phát triển lên 8 tổ thành viên với 442 hộ gia đình trên tổng số 530 ha và đã đem lại những hiệu quả rõ rệt cho người nông dân. 

Ông Võ Văn Hoàng trong vườn cà phê xen canh sầu riêng của gia đình.
Ông Võ Văn Hoàng trong vườn cà phê xen canh sầu riêng của gia đình.

Liên minh sản xuất cà phê bền vững là hình thức liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với người nông dân. Theo đó, người trồng cà phê sẽ được các nhà khoa học cung cấp kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây cà phê theo phương thức đa canh thông qua các lớp tập huấn, tham quan mô hình điểm. Về phía doanh nghiệp sẽ cam kết thu mua cà phê với giá cộng thưởng cao hơn thị trường bình quân 300 - 500 đồng/kg.

Một trong những thành viên điển hình của liên minh này là hộ gia đình ông Võ Văn Hoàng (thôn 3) với mô hình cà phê xen canh sầu riêng, măng cụt, hồ tiêu… Chỉ với 1,5 ha cà phê xen canh mà bình quân mỗi năm gia đình ông thu về hơn 20 tấn sầu riêng, 5 tấn cà phê, chưa kể măng cụt, hồ tiêu…, trừ mọi chi phí còn lãi gần 600 triệu đồng. Ông Hoàng chia sẻ kinh nghiệm: Trồng xen canh hiệu quả kinh tế cao nhưng khó chăm sóc hơn bởi mỗi loại cây trồng có đặc tính khác nhau. Khi trồng xen canh sầu riêng thì vườn cà phê chỉ bón phân được hai đợt: trước khi sầu riêng ra hoa và khi thu hoạch xong. Bởi bón phân khi sầu riêng đang nuôi quả sẽ làm múi sầu riêng bị sượng, rất khó bán. Do đó, để bảo đảm năng suất cà phê, thay vì bón gốc gia đình phun trực tiếp lên lá. Nhờ đó, các loại cây trồng đều có thu hoạch khá.

Tương tự, gia đình ông Hồ Thoàn (thôn 5) cũng có 0,5 ha cà phê xen canh sầu riêng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật mà bình quân mỗi năm gia đình ông thu về gần 7 tấn sầu riêng, 1,5 tấn cà phê nhân, trừ mọi chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng.

Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Thuận cho biết: Cây ăn quả xen canh không chỉ tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân mà còn tạo hệ thống, hành lang che nắng, chắn gió, giữ nước cho vườn cà phê; nhờ đó cây cà phê có một hệ sinh thái phát triển bền vững. Thời gian tới, địa phương sẽ nhân rộng mô hình sản xuất cà phê bền vững ra toàn xã để thực hiện việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.