Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Nỗ lực khôi phục diện tích cây trồng bị khô hạn và gieo trồng vụ thu đông

06:21, 17/09/2012

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, vụ hè thu vừa qua huyện Krông Bông phải đối mặt với tình trạng khô hạn nặng, gây thiệt hại lớn cho người dân. Để khôi phục lại diện tích cây trồng còn lại và tiếp tục xuống giống vụ thu đông, người nông dân phải đối mặt thêm với  nhiều khó khăn, thách thức…

Hạn hán, sâu bệnh và mất mùa

Vụ hè thu năm 2012, huyện Krông Bông  gieo trồng được khoảng 12.500 ha cây ngắn ngày, chủ yếu là lúa nước trên 3.000 ha và ngô 9.000 ha. Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài từ đầu tháng 5 đến hết tháng 8-2012 nên đã có khoảng trên 8.000 ha cây trồng trên bị khô hạn, trong đó có khoảng 3.000 ha mất trắng, thiệt hại 157 tỷ đồng (lớn nhất tỉnh). Mặc dù các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng khá đầy đủ, với 25 đập và hồ chứa lớn, có diện tích từ 40-70 ha/hồ, song hầu hết đều trở nên bất lực trước sự hà khắc của thời tiết. Ông Phạm Phú Thiên, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: chưa có năm nào mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn huyện lại xuống thấp như những ngày hạn hán vừa qua (ngay cả trong mùa mưa), nhiều hồ cạn róc nước chỉ còn trơ đáy, không có khả năng cung ứng nước tưới, khiến người dân trong huyện bất lực nhìn cây trồng của mình bị chết khô. Cũng do thời tiết khắc nghiệt, không có mưa, độ hanh khô cao trong suốt vụ hè thu nên tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và hoành hành mạnh trên số diện tích cây trồng còn lại (do người dân cứu vãn được nhờ việc bơm tưới vét từ ao, suối, đào thêm giếng…) với các loại sâu bệnh thường gặp như rệp sáp, ve sầu, bọ xít, phấn trắng… gây hại rải rác trên cây cà phê, ca cao, cao su, điều; riêng trà lúa gieo tại các khu vực trũng còn khả năng cho thu hoạch thì cũng xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình 3-5 con/m2, nơi cao từ 10-20 con/m2… Những khó khăn trên đã làm cho năng suất cây trồng giảm đáng kể, lúa chỉ đạt 4-5 tấn/ha, ngô từ 5-7 tấn/ha, giảm hơn so với bình quân cùng kỳ những năm trước từ 2,5-4 tấn/ha (cả 2 loại trên). Chưa hết, theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện, cây cà phê bị thiếu nước ngay trong giai đoạn nuôi trái, lại bị sâu bệnh hoành hành nên năng suất niên vụ này có thể giảm 20-30% so với mọi năm.

Bà con nông dân huyện Krông Bông  gieo cấy vụ thu đông 2012.
Bà con nông dân huyện Krông Bông gieo cấy vụ thu đông 2012.

Nỗ lực khôi phục lại diện tích cây trồng

Từ đầu tháng 9-2012 đến nay thời tiết trên địa bàn huyện Krông Bông đang có chiều hướng dịu dần với những cơn mưa nhỏ. Dù lượng mưa không đáng kể nhưng cũng đủ để địa phương vận động bà con khẩn trương khắc phục hậu quả do hạn hán gây ra như cải tạo lại đất, tập trung mọi nguồn lực để gieo trồng vụ thu đông 2012. UBND huyện Krông Bông đã trích ngân sách trên 50 triệu đồng hỗ trợ cho bà con mua dầu bơm nước từ các hồ, đập còn khả năng tưới ra ruộng đồng, nhằm tích cực cứu vãn diện tích cây trồng khô hạn còn lại, chuẩn bị cho việc thu hoạch và trồng mới vụ thu đông. Chính quyền các địa phương trong huyện thường xuyên phối hợp với ngành chức năng triển khai các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giúp bà con tiếp cận và nhân rộng những giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao, khả năng chống chịu điều kiện ngoại cảnh tốt như giống ngô LVN14, LVN 92, CP888, lúa TH-3, lai Xuyên Hương 178… tích cực chủ động phòng ngừa sâu bệnh, chuột hại trên cây trồng. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn chồng chất bởi lượng mưa chưa đủ để bảo đảm cho cây trồng phát triển và nguy cơ hạn vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, mùa mưa năm nay vẫn chưa kết thúc, diện tích cây trồng mới vẫn có nguy cơ bị ngập úng ở những tháng tiếp theo, bởi theo kinh nghiệm của người dân thì mưa lũ thường tập trung vào những tháng cuối năm, từ cuối tháng 9 đến hết tháng 11. Trong khi đó, có nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn, mất trắng, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói, không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất trở lại. Chị Nguyễn Thị Dinh, ở xã Hòa Phong than thở: “Kinh tế gia đình tôi chỉ trông vào 3 sào ngô và 2 sào lúa, nhưng hạn hán đã làm mất trắng toàn bộ ngô, chỉ còn vớt vát được lúa, nhưng năng suất cũng chỉ bằng một nửa so với niên vụ trước. Hiện tại, lúa vẫn còn khá xanh chưa thu hoạch được, trong khi gia đình vẫn còn nợ một khoản tiền giống ngô và phân bón ngay từ đầu vụ chưa trả, sắp tới không biết vay mượn ở đâu để tiếp tục gieo trồng tiếp”. Đồng cảnh ngộ trên, người dân các xã Cư Pui, Hòa Tân, Khuê Ngọc Điền… cũng lo lắng: cây trồng đã bị mất mùa, tiền mua giống, phân bón, công lao động ngay từ đầu vụ này lại tăng cao, chỉ mong các ban, ngành chức năng tỉnh, huyện sớm có chính sách hỗ trợ vốn, giống, tạo điều kiện giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn trước mắt này.

Ông Phạm Phú Thiên cho biết thêm, vừa qua UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ vốn cho địa phương bị thiệt hại do hạn hán để mua giống cây trồng khôi phục sản xuất, nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi… đã phần nào giúp bà con khôi phục lại diện tích cây trồng, tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị trong, ngoài tỉnh đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới về khảo nghiệm để tìm hướng phát triển  phù hợp với địa phương trên cơ sở sản xuất đa cây đa con. Riêng vụ thu đông năm 2012, toàn huyện đã gieo trồng được gần 25% kế hoạch.

 Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.