Tăng cường quản lý trong đầu tư, khai thác các công trình cấp nước tập trung
Những nỗ lực đưa nước sạch đến với người dân nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố những năm qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là chất lượng quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung tại các địa phương cũng đã bộc lộ nhiều bất cập...
Kiểm tra bình châm clo tại Công trình cấp nước tập trung xã Cư Pui (Krông Bông). |
Từ năm 2000 trở lại đây, bình quân mỗi năm Dak Lak đầu tư trên 30 tỷ đồng cho Chương trình quốc gia về nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, trong đó phần lớn nguồn vốn được đầu tư cho các công trình cấp nước tập trung. Riêng giai đoạn 2006-2010, Dak Lak đã huy động được tổng vốn là 235 tỷ 438 triệu đồng đầu tư xây dựng hơn 82 công trình cấp nước tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc ở vùng nông thôn.
15 huyện, thành phố, thị xã hiện đã có công trình cấp nước tập trung, mỗi địa phương có từ 3 đến 10 công trình. Cùng với 158.683 công trình cấp nước nhỏ lẻ khác, mỗi công trình cấp nước tập trung có công suất thiết kế phục vụ từ 200 đến 3.800 hộ dân đã góp phần đưa tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2011 lên 72,53 %, trong đó có 36,69% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Việc quản lý các công trình cấp nước tập trung hiện nay được thực hiện theo bốn mô hình: do UBND xã, Hội Dùng nước, hợp tác xã, Trung tâm Nước sinh hoạt và môi trường nông thôn quản lý. Những nỗ lực đưa nước sạch đến với người dân nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố những năm qua là đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là chất lượng quản lý, khai thác công trình cấp nước tập trung tại các địa phương cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Qua khảo sát mới đây của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Dak Lak cho thấy: Trong tổng số 82 công trình chỉ có 16 công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường Dak Lak quản lý đang hoạt động tốt; còn lại: 17 công trình hoạt động trung bình, 21 công trình cấp nước không thường xuyên, 21 công trình đã ngừng hoạt động, 7 công trình đã xây dựng xong nhưng chưa hoạt động vì quá trình thi công không đạt yêu cầu về kỹ thuật. Số công trình hoạt động kém hiệu quả chủ yếu do các địa phương làm chủ đầu tư và quản lý.
Xét về hiệu quả sử dụng vốn cho thấy: Hơn 59 tỷ đồng là kinh phí do UBND huyện làm chủ đầu tư xây dựng, số công trình hiện không hoạt động được tính trị giá hơn 41 tỷ đồng, chiếm 70% tổng số vốn đầu tư. Gần 14 tỷ đồng xây dựng các công trình giao cho hợp tác xã quản lý, trong đó có một số công trình không hoạt động tính giá trị là 248 triệu đồng, chiếm 2%. Công trình do Hội Dùng nước quản lý được xây dựng với gần 14 tỷ đồng, trong đó có một số công trình không hoạt động trị giá 1 tỷ 501 triệu đồng (11%).
Nguyên nhân các công trình cấp nước tập trung do địa phương đầu tư, quản lý hoạt động kém hiệu quả là do quy trình tổ chức quản lý, khai thác chưa tốt; đầu tư tràn lan, nhưng thiếu đồng bộ, yếu kém khâu khảo sát, thiết kế, thi công. Mặt khác, ở một số nơi người dân cũng chưa có ý thức bảo vệ công trình, nhiều công trình không có kinh phí đóng tiền điện, duy tu, bảo dưỡng nên đưa vào sử dụng trong một thời gian ngắn đã bị hỏng. Còn bí quyết để các công trình do Trung tâm Nước sinh hoạt và Môi trường nông thôn Dak Lak quản lý hoạt động hiệu quả là do Trung tâm đã thường xuyên phối hợp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức như: Tập huấn, phát tờ rơi, treo băng-rôn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật bảo dưỡng, vận hành, sửa chữa các hỏng hóc phát sinh trong quá trình vận hành công trình cấp nước sinh hoạt cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cơ sở.
Theo Quyết định số 366 của Thủ Tướng Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn năm 2012-2015, Dak Lak đầu tư nâng cấp và xây dựng mới thêm 189 công trình cấp nước tập trung tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để góp phần đưa 85% dân cư vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh vào năm 2015 và đến năm 2020 đạt 100% dân số vùng nông thôn đều sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Dự án này được chia làm 2 giai đoạn với tổng số vốn hơn 5.900 tỷ đồng. Để xây dựng được một công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có quy mô cấp nước cho khoảng 200 hộ dân thì Nhà nước đã phải đầu tư tiền tỷ. Do vậy, ở giai đoạn tiếp theo cần tăng cường giám sát về chất lượng công trình trong quá trình thi công. Việc xác định dự án, công trình phải được khảo sát kỹ, người dân được tham gia ngay từ khâu thiết kế, chuẩn bị đầu tư, lựa chọn công nghệ và giám sát thực hiện xây dựng công trình. Phương thức quản lý và chủ sở hữu công trình sau xây dựng phải được xác định ngay từ khi lập dự án, đặc biệt cơ chế tài chính được thiết lập phù hợp với quy mô công trình và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Huy động sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, các thành phần kinh tế nhất là khu vực tư nhân đầu tư phát triển cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cũng là việc nên làm để quản lý tốt các công trình, đồng thời người dân vùng nông thôn nhanh chóng được thụ hưởng đầy đủ từ chương trình mục tiêu quốc gia này.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc