Multimedia Đọc Báo in

Thời của siêu thị

15:16, 04/09/2012

Hiện, người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực TP. Buôn Ma Thuột đi siêu thị mua sắm ngày càng nhiều và cảm thấy hài lòng. Sự xuất hiện của nhiều siêu thị đã làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Kỹ năng bán hàng, thái độ phục vụ khách của nhân viên gần đây được nhiều siêu thị coi trọng.
Kỹ năng bán hàng, thái độ phục vụ khách của nhân viên gần đây được nhiều siêu thị coi trọng.

Mua hàng siêu thị khách hàng yên tâm hơn

Thời gian gần đây, các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều tại TP. Buôn Ma Thuột. Song, ghé các địa điểm mua sắm này, hầu như lúc nào cũng tấp nập khách mua hàng. Lượng khách đổ xô đến siêu thị đông nhất vào những ngày cuối tuần, dịp lễ, tết. Những siêu thị như Co.opMart, Vinatex Buôn Ma Thuột, trung tâm mua sắm Nguyễn Kim… ngoài sự phong phú các mặt hàng còn có cách bài trí, sắp xếp hàng hóa tạo thuận lợi và dễ dàng cho người tiêu dùng (NTD) lựa chọn.

Trên thực tế, đi siêu thị mua sắm thực phẩm thiết yếu hằng ngày không là phần việc riêng của các bà nội trợ mà đây còn là thói quen, dịp để cả gia đình dạo chơi giải trí hoặc lựa chọn món hàng ưa thích. Chị Hiền (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột), một khách hàng thường xuyên chọn siêu thị để mua sắm, phân tích, mua hàng ở siêu thị yên tâm về độ an toàn của các loại thực phẩm thiết yếu. Thứ nhất, chất lượng hàng hóa được bảo đảm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng và giá cả in trên sản phẩm; thứ hai hàng hóa phong phú, người mua có thể tự do chọn mà không sợ bị hớ, thứ ba, siêu thị luôn có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, giao hàng tận nơi... Đây là thế mạnh mà các chợ truyền thống không có được. Còn chị Hạnh (phường Tân Tiến. TP. Buôn Ma Thuột) thì thẳng thắn, chị thích mua hàng ở siêu thị hơn vì sợ mua phải thực phẩm Trung Quốc kém chất lượng được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống mà không lo bị “chặt, chém”.

Ngày nay, đi mua sắm không đơn thuần là để thỏa mãn nhu cầu, chọn cho được món hàng mình cần mà đối với nhiều bà nội trợ, đến siêu thị còn để dạo chơi, khảo sát giá cả như một cách giải trí sau những mệt mỏi của cuộc sống thường nhật. Nhiều người cho rằng, mua hàng ở đây sẽ được tự do, thoải mái lựa chứ không hề bị chèo kéo, đôi co như ở chợ.  Bên cạnh các kệ hàng được trưng bày đẹp mắt nhiều siêu thị còn có chiêu thu hút khách bằng việc dành khoảng không gian nhất định, trang bị các phương tiện phục vụ nhu cầu giải trí của từng nhóm khách hàng, chủ yếu là gia đình, như khu vui chơi dành cho trẻ em, rạp chiếu phim… Gần đây, một số siêu thị trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn trang bị cả rạp chiếu phim hiện đại 4D, 5D như Co.opMart, Vinatex.

Có thể thấy với sự đa dạng của hàng hóa kết hợp với phương tiện giải trí hiện đại, siêu thị đã thật sự lên ngôi và đang ngày càng thu hút một lượng lớn khách hàng từ các chợ truyền thống về phía mình.

Liên kết để phục vụ khách hàng tốt hơn

Ngoài những chương trình giảm giá, khuyến mãi để thu hút NTD, các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột còn chú trọng nhiều đến kỹ năng bán hàng, cách giao tiếp và thái độ phục vụ của nhân viên. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” không chỉ là câu khẩu hiệu mà  đã đi vào thực tế ở nhiều siêu thị, trung tâm… Cùng với đó, để bảo đảm nguồn cung, nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh, nhiều đơn vị đã chú trọng liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu ngay tại địa phương. Trong đó, Co.opMart Buôn Ma Thuột là một trong những đơn vị đầu tiên phối hợp với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp: Toàn Thịnh (thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar), Thuận Hòa (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất cung ứng rau an toàn cho siêu thị. Từ cuối năm 2008, các đơn vị này đã ký hợp đồng liên kết mua sản phẩm với các HTX trên kèm theo yêu cầu khắt khe, kiểm soát nghiêm ngặt về độ an toàn và chất lượng sản phẩm. Việc làm này không những cung ứng cho NTD nguồn rau sạch, tươi, ngon, mà còn giúp nông dân tìm được đầu ra ổn định, tạo thương hiệu làng rau ở các địa phương trong tỉnh... Đặc biệt, trong việc cạnh tranh kinh doanh, một số siêu thị còn từng bước đổi mới công nghệ, khép kín quy trình sản xuất, xây dựng những nhãn hàng riêng, tạo nên “phong cách” đặc trưng của đơn vị mình như: Co.opMart Buôn Ma Thuột phát triển nhãn hàng riêng ở mặt hàng đồng phục học sinh mang tên SGC (giá từ 142.000 đến 196.000 đồng/bộ - tùy cấp học). Vinatex Buôn Ma Thuột cũng có nhiều sản phẩm riêng tập trung ở lĩnh vực may mặc.

Sự có mặt của nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân mà còn kéo theo sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị kinh doanh. Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại không ngừng tung ra các chương trình bốc thăm trúng thưởng, giảm giá, khuyến mãi cho các mặt hàng gia dụng, thực phẩm… để “kéo” khách hàng về phía mình. Qua đó, NTD cũng được hưởng lợi và có thêm nhiều lựa chọn mua sắm phù hợp, tiết kiệm chi tiêu trong thời buổi khó khăn này.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc