Multimedia Đọc Báo in

Cần hỗ trợ vốn giúp nông dân “găm hàng” giữ giá cà phê

13:53, 03/11/2012

Các nhà kinh doanh cà phê khuyến cáo nông dân nên tự trữ hàng, bán “nhỏ giọt” để giữ giá cà phê. Việc làm này đồng thời cũng có lợi cho các nhà xuất khẩu cà phê trong nước, khi không phải chịu áp lực huy động vốn để gom hàng, không bị thương gia nước ngoài ép giá.

Theo ông Nguyễn Xuân Thái, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, nông dân nên có biện pháp tạm trữ cà phê tại nhà, tránh bán ra ồ ạt khiến tư thương khuynh đảo giá cả. “Vào đầu vụ, giá cà phê sẽ giảm chút ít do người dân phải bán để trả nợ, rồi lo tết nhất, con cái… Theo tôi, người dân nên giữ cà phê ở nhà, cần đến đâu bán đến đó. Giữ cà phê, bán “nhỏ giọt” mới bảo vệ được giá”, ông Thái phân tích.

Ông Nguyễn Nam Thuận, người dân xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) cho biết: Niên vụ trước, ông thu 8 tấn cà phê nhân. Trong đó, ông chỉ bán 2 tấn vào dịp đầu vụ để trang trải bớt nợ nần, còn lại ông bán dần, mãi đến tháng 8–2012 mới bán hết cà phê. “Khi nào thực sự cần tiền và thấy cà phê được giá tôi mới “chốt”; còn lại thì cứ để cà phê trong nhà”, ông Thuận chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ giữ cà phê trong nhà mà ông Thuận luôn chủ động được giá, “chốt” cà phê ở mức giá cao trong khoảng 40 triệu đồng/tấn.

Anh Nguyễn Huy Nam, người dân ở xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) chia sẻ: “Thực sự thì không phải người dân nào cũng có điều kiện về kinh tế cả, và không ai muốn bán cà phê khi giá thấp, nhưng không bán thì bị chủ nợ thúc bách. Trong vụ, chúng tôi nợ tiền phân, nhân công, các khoản chi phí khác; chưa đến mùa thu hoạch mà chủ nợ đã đi nhắc nhở. Do vậy, nếu để trữ cà phê được thì cũng phải cần có nguồn vốn nhất định…”.

Cái lợi của việc người dân trữ cà phê đã thấy rõ, nhưng để làm được điều này, cần có biện pháp hỗ trợ để người trồng cà phê trữ hàng, tránh bán ồ ạt vào thời điểm chính vụ, khiến giá xuống thấp.

Hà Thương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.