Multimedia Đọc Báo in

Nghề làm miến ở Khánh Xuân

14:38, 02/11/2012

Phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột từ lâu đã có nghề làm miến truyền thống. Những năm gần đây nghề này đang phát triển mạnh, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân với mức hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, tổ dân phố 1, P. Khánh Xuân phát triển kinh tế  nhờ nghề làm miến.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm, tổ dân phố 1, P. Khánh Xuân phát triển kinh tế nhờ nghề làm miến.

Nghề làm miến gạo ở Khánh Xuân xuất hiện từ những năm 1980, do một số người dân từ các tỉnh phía bắc như Bắc Ninh, Hải Dương, Ninh Bình… mang theo nghề truyền thống này vào đây, tuy nhiên trong một thời gian khá dài, người ta chỉ làm ở dạng thủ công, nhỏ lẻ, với khoảng trên dưới 10 hộ, bởi thu nhập đem lại còn khá hạn chế. Từ năm 2006 trở đi, nghề này phát triển mạnh nhiều hộ gia đình đầu tư mua sắm máy móc chuyên dụng, mở rộng sản xuất, với đa dạng hóa sản phẩm miến gạo, miến sợi bún, phở khô. Hiện toàn phường đã có trên 100 hộ dân làm nghề, tập trung nhiều nhất tại các tổ dân phố 1, 2 và 5. Anh Phạm Sĩ Phán ở tổ dân phố 2 cho biết, trước đây việc xay, tráng bột, thái sợi miến đều làm bằng tay nên năng suất thấp (mỗi hộ chỉ chế biến được 15 - 20kg gạo/ngày), từ khi đầu tư chuyên sâu bằng máy liên hoàn xay, đập bột, cán sợi đã đưa năng suất tăng gấp 10 lần, sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đẹp hơn mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Nghề làm miến phụ thuộc thời tiết, nếu làm hết công suất trong những ngày nắng, thì bình quân mỗi máy sẽ đạt từ 200 - 220kg gạo/ngày, cho ra sản phẩm khoảng 1,5 tạ miến các loại, giá bán theo từng thời điểm từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Để giữ vững chất lượng sản phẩm thơm ngon, các hộ làm miến Khánh Xuân đều có cam kết với chính quyền địa phương là không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại, luôn bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, đầu ra của miến Khánh Xuân khá thuận lợi, làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó, được bạn hàng trong và ngoài khu vực TP. Buôn Ma Thuột ưa chuộng, tìm đến đặt hàng. Nghề làm miến không mấy nặng nhọc, quá trình sản xuất trải qua 4 công đoạn: chọn gạo (dẻo, thơm) ngâm khoảng 6 tiếng đồng hồ, sau đó vớt ra xay bột, kế đến là tráng thành bánh mỏng trên hệ thống máy, để ráo nước và đưa vào máy cán sợi (tùy theo kích cỡ của sản phẩm), đem phơi nắng khoảng 1 ngày là ra thành phẩm. Ngoài nghề làm miến, nhiều gia đình còn kết hợp với chăn nuôi heo, gà để tận dụng nguồn thức ăn từ phụ phẩm dư thừa của nghề như nước vo gạo, miến gãy nát… Anh Nguyễn Hữu Hiền, ở tổ dân phố 2 chia sẻ, ngoài nghề làm miến truyền thống 15 năm nay, gia đình anh còn canh tác 6 ha cà phê và nuôi gà nhỏ lẻ, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 250 triệu đồng. Nhiều gia đình làm nghề miến khác như hộ anh Nguyễn Văn Loan, Nguyễn Văn Phúc ở tổ dân phố 1, Phạm Sĩ Hiển, tổ dân phố 2… không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn phát triển đời sống kinh tế nhờ nghề này, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Đình Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Khánh Xuân, những năm gần đây, nghề làm miến truyền thống Khánh Xuân đang ngày càng phát triển mạnh, đã tạo việc làm cho gần 300 lao động địa phương và hơn 100 lao động của các địa phương khác đến làm công, với mức thu nhập bình quân mỗi tháng từ 3 - 3,5 triệu đồng/người, đủ để họ trang trải cuộc sống. Không chỉ tạo công ăn việc làm cho những người trong độ tuổi lao động mà ngay cả người già và trẻ nhỏ trong mỗi hộ làm nghề cũng có thể tham gia, với những công việc đơn giản như phơi hay bó miến thành phẩm. Từ khi nghề làm miến khởi sắc, đã góp phần đưa diện mạo phường Khánh Xuân thay đổi nhanh chóng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hầu hết các gia đình đều sắm tiện nghi sinh hoạt đắt tiền... Tuy nhiên, để làng nghề thực sự phát triển bền vững và ổn định, chính quyền địa phương cần có sự quy hoạch khu sản xuất miến tập trung, vận động, hướng dẫn người dân xử lý chất thải trong quá trình làm miến hợp lý...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc