Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn của Chương trình hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt – Đức: Từ chuỗi giá trị sản phẩm đến xây dựng thương hiệu

14:26, 24/11/2012

Là một trong những tỉnh thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế, có nhiều mặt hàng nông sản tiềm năng v.v… nhưng giá trị xuất khẩu mà ngành này mang lại cho Dak Lak vẫn chưa xứng tầm. Do vậy, việc xây dựng chuỗi giá trị cho các mặt hàng nông sản được xem là hướng đi bền vững bởi nó không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm mà còn tạo được thị trường ổn định.

Thương  hiệu  Dakado đang  dần khẳng  định  vị thế  trên  thị  trường.
Thương hiệu Dakado đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.

Từ thành công của chuỗi giá trị bơ và thương hiệu Dakado

Từ chương trình hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt – Đức (GTZ), năm 2006 chuỗi giá trị bơ đã được xây dựng, triển khai với 12 gói công việc gồm: nghiên cứu thị trường, chiến lược nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, xây dựng chuỗi, thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quy trình vận chuyển chuẩn, xây dựng các mẻ bơ đồng đều, dụng cụ thu hái, bảo quản lạnh, bao bì đóng gói, đăng ký nhãn hiệu, giống, quản lý điều phối. Ngày 2-3-2009, Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Dak Lak đã tiến hành chuyển giao quyền sở hữu thương hiệu Bơ DAKADO cho Công ty TNHH Thu Nhơn. Đây được xem là bước thành công của ngành nông nghiệp tỉnh trong nỗ lực nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà bơ trái là một trong những mặt hàng xuất khẩu tiềm năng. Thương hiệu bơ DAKADO ra đời đã kết nối giá trị của tất cả các khâu thành chuỗi liên hoàn, từ trồng trọt, thu mua, chế biến đến phân phối và tiêu thụ, nâng cao được giá bán của trái bơ. Đến nay, sản phẩm Bơ DAKADO đã có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn trong cả nước như Metro, Co.op Mart, Big C, Vinatext, Fivimart… Tiếp tục phát triển triển chuỗi giá trị bơ, với sự hỗ trợ của Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ,  một liên minh sản xuất bơ sáp cũng theo đó được hình thành với hơn 300 hộ nông dân trồng bơ trên địa bàn tỉnh. Các thành viên tham gia liên minh được hướng dẫn thực hành nông nghiệp tốt, được cung cấp công cụ thu hái, bảo quản và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn từ 25-30% giá thị trường. Năm 2010, Công ty đã đầu tư xây dựng nhà xưởng để bảo quản, đóng gói bơ DAKADO và hướng đến xây dựng nhà máy chế biến quả bơ thành dầu bơ, bột bơ dùng trong ngành thực phẩm và mỹ phẩm nhằm đưa quả bơ Dak Lak ra thị trường thế giới. Sản phẩm Bơ sáp DAKADO đã đạt nhiều giải thưởng như Cúp vàng sản phẩm chất lượng cao năm 2011, thương hiệu “Trâu vàng đất Việt” năm 2010… Bà Nguyễn Thị Thu Nhơn, giám đốc doanh nghiệp này cho hay: nếu chỉ sản xuất, kinh doanh độc lập, người nông dân sẽ không thể tạo ra giá trị gia tăng và nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản phẩm. Vì vậy, để có được thương hiệu DAKADO cần phải tạo ra mối liên kết bền vững giữa 4 nhà, từ sản xuất đến tiêu thụ.

Đến nâng cao chuỗi giá trị cà phê

Để cây cà phê là cây kinh tế, giữ một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, cùng với chuỗi giá trị bơ, cũng từ năm 2006, chuỗi giá trị cà phê cũng được tổ chức GTZ hỗ trợ xây dựng qua các dự án lồng ghép cũng chính là nhằm tạo mối liên kết giữa 4 nhà nhằm nâng cao chất lượng cho loại nông sản chủ lực này. Qua các dự án, người trồng cà phê ở Dak Lak đã được áp dụng các bộ tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất cà phê như 4C, UTZ… Nhờ đó tự kiểm soát được hiệu quả của từng khâu sản xuất, từ quản lý dinh dưỡng đến thuê nhân công. Đây cũng là cơ sở cho hệ thống quản lý chứng chỉ chất lượng sản phẩm; nông dân và người thu gom cũng được đào tạo về những kiến thức, phát triển mới nhất trong ngành cà phê, tập trung vào việc đạt các chứng chỉ và sự canh tác bền vững. Kế thừa những kết quả đạt được của các dự án GTZ, với sự hỗ trợ của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Dak Lak, nhiều liên minh sản xuất cà phê bền vững được ra đời, đã liên kết được nhiều hộ trồng cà phê, tổ chức sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế UTZ.

Xây dựng chuỗi giá trị cà phê được xem là giải pháp và cũng là xu thế khi nền kinh tế hội nhập ngày một sâu rộng. Vì vậy, điều cốt lõi là làm thế nào để tạo sự gắn kết chặt chẽ, bền vững giữa liên minh sản xuất cà phê. Có như vậy mới giúp cho các nhà hoạch định chính sách, chính quyền địa phương nhận thấy những vướng mắc trở ngại cũng như nhận thấy rõ hơn những điểm mạnh để thực hiện nâng cao chuỗi giá trị cà phê. Việc nâng cao chuỗi giá trị cà phê cũng là bước hỗ trợ tích cực và quan trọng trong tổ chức sản xuất cà phê theo chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột (đã được đăng bạ theo Quyết định số 896 QĐ-SHTT ngày 14-10-2005 của Cục Sở hữu Trí tuệ) trong cộng đồng doanh nghiệp và người trồng cà phê, góp phần nâng chất lượng, khẳng định vị thế của sản phẩm cà phê Việt Nam trên thế giới.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc