Multimedia Đọc Báo in

Khoảng trống của hàng Việt ở thị trường nông thôn

14:35, 23/11/2012

Một trong những kết quả đáng mừng qua sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là người tiêu dùng trong tỉnh đã từng bước thay đổi nhận thức, theo đó hành vi ưu tiên mua sắm hàng Việt ngày càng tăng. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là thay đổi ấy chủ yếu mới dừng lại ở thành phố, trung tâm huyện, thị; tại thị trường vùng nông thôn do nhiều nguyên nhân vẫn còn một khoảng trống lớn của hàng Việt...

Thị trường tiềm năng bị bỏ ngỏ

Cùng với hệ thống các siêu thị, trung tâm mua sắm mọc lên, chợ dân sinh vẫn là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu đặc biệt với người dân vùng nông thôn. Đây cũng là kênh phân phối chính cho người tiêu dùng ở địa bàn này. Hơn 70% dân số sinh sống thuộc khu vực nông thôn càng cho thấy một thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp nội địa cần lưu tâm. Tuy nhiên, con số 87% dân số trong tỉnh đã mua và sử dụng sản phẩm, hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất qua kết quả khảo sát Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chủ yếu là tại các siêu thị trong tỉnh.  85% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán phần lớn cũng thuộc hệ thống siêu thị, một số hợp tác xã. Hàng Việt ở chợ nông thôn nhất là các mặt hàng gia dụng, giày dép, quần áo được bày bán hiện nay chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, ngay tại chợ trung tâm của thị xã Buôn Hồ, các tiểu thương còn cho biết: 80% quần áo, giày dép là hàng Trung Quốc bởi dễ bán, mẫu mã đẹp, giá cả hợp túi tiền của hầu hết người dân nông thôn. Còn hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chiếm tỷ lệ không nhiều, trong đó có cả những sản phẩm nhái, ăn theo các nhãn hiệu nổi tiếng. Phải thẳng thắn nhìn nhận là chợ nông thôn, nhất là ở các vùng sâu vùng xa hiện nay là mảnh đất màu mỡ cho các sản phẩm kém chất lượng, chứ chưa là điểm dừng chân của hàng Việt Nam có chất lượng.

Đưa hàng Việt về nông thôn để chinh phục thị trường tiềm năng này, tạo ra kênh phân phối hàng hóa thường xuyên là việc làm cần thiết của doanh nghiệp.
Đưa hàng Việt về nông thôn để chinh phục thị trường tiềm năng này, tạo ra kênh phân phối hàng hóa thường xuyên là việc làm cần thiết của doanh nghiệp.

“Muốn yêu cũng khó”

Còn nhớ câu chuyện của một vị khán giả ở Hà Nội đã hỏi một lãnh đạo của Bộ Công thương qua chương trình phát thanh trực tiếp của Đài Tiếng nói Việt Nam rằng: “Ông bảo công chức cấp xã, phường và nông dân làm sao có thể mua được những chiếc áo mang nhãn hiệu Việt như Việt Tiến có giá thấp nhất 300 - 400 nghìn đồng, cao hơn lên đến tiền triệu?”. Câu chuyện của vị khán giả ấy càng cho thấy sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại, trong đó điển hình là hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc với đủ chủng loại sản phẩm từ giá rẻ tới cao cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Đồng thời nó cũng đặt ra một câu hỏi lớn cho doanh nghiệp, nhà quản lý khi thực hiện trách nhiệm cung ứng, phân phối hàng hóa, điều tiết thị trường nội địa. Dù rằng hàng nội địa tốt nhưng đó chưa phải là tất cả để đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng nhất là ở vùng nông thôn ưu tiên dùng hàng Việt khi mẫu mã chưa bắt mắt nếu không nói là còn hạn chế về khía cạnh thời trang và giá cả chưa hợp túi tiền. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có muốn yêu và ưu tiên hàng Việt thì cũng khó. Theo ông Phan Thế Ruệ - nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Hệ thống phân phối của ta qua nhiều tầng nấc nên đội giá và gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn”. Còn với lý giải của ông Võ Văn Quyền – Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương về những khoảng trống của hàng Việt ở khu vực nông thôn thì: “Việc xác định nhu cầu và tổ chức phân phối - cả hai đều trống. Doanh nghiệp chưa nắm bắt được nhu cầu của người dân khu vực nông thôn; chưa thiết lập được hệ thống phân phối, đưa hàng đến tay người tiêu dùng”...

"Mỏi mắt" tìm hàng Việt
"Mỏi mắt" tìm hàng Việt ở chợ nông thôn

Mở đường

Qua 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số doanh nghiệp cũng đã nhận thấy khoảng trống này của hàng Việt ở thị trường nông thôn. Với sự tiếp sức của các cơ quan chức năng như Sở Công thương, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được triển khai. Tại  Dak Lak, năm 2012 là năm thứ 4, Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chủ yếu áp dụng cho các nhóm hàng: thực phẩm, đồ gia dụng, hàng may mặc. Với các chính sách khuyến mãi như giảm giá từ 5 đến 50% hoặc có kèm quà tặng, chương trình được đông đảo người dân hưởng ứng, đón nhận. Chỉ tính riêng 3 đợt bán hàng Việt lưu động từ đầu năm đến nay tại các huyện M’Drak, Krông Pak, thị xã Buôn Hồ, Co.op Mart  Buôn Ma Thuột có doanh thu đạt hơn 1, 2 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày có khoảng hơn một nghìn lượt người đến tham quan và mua sắm. Theo lãnh đạo Siêu thị Co.op Mart Buôn Ma Thuột, nguồn lực để đơn vị triển khai tốt được chương trình này là hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất trong nước có uy tín, hàng hóa chất lượng, nguồn cung cấp ổn định để thực hiện các chương trình khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, qua đó chia sẻ gánh nặng chi tiêu với người dân nông thôn.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà quản lý, đưa hàng Việt về nông thôn thông qua bán hàng lưu động là một cách làm hay nhưng thiếu tính bền vững. Mỗi đợt bán hàng kết thúc, bà con muốn mua hàng cũng khó. Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” chưa tập trung được những đợt lớn huy động nhiều doanh nghiệp cùng tham gia một lúc; chưa thiết lập được mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến các vùng sâu vùng xa; giá cả hàng hóa cũng là yếu tố đòi hỏi doanh nghiệp phải cân đối, tính toán để tạo thêm sức cạnh tranh trên thị trường nhất là đối với hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.  Từng bước khắc phục những hạn chế này, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trọng Hải khi phát biểu tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”: Phải tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; có chương trình, kế hoạch điều tra, khảo sát để xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, quảng bá phù hợp, thu hút mọi đối tượng người tiêu dùng; cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ. Còn theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và tạo ra kênh phân phối thường xuyên cũng là một hướng đi bền vững để tiếp tục quảng bá và tạo dựng uy tín hàng Việt trong lòng người tiêu dùng, trong đó có việc phân phối, giúp người dân nông thôn nhất là những vùng sâu vùng xa tiếp cận được với hàng  hóa nội địa có phẩm cấp.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc