Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi nào cho hàng Việt?

08:03, 26/11/2012

Những năm gần đây, hàng Việt đã trở thành lựa chọn an toàn và tin tưởng đối với nhiều người tiêu dùng (NTD) trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và giá thành cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) nội địa cũng cần có chiến lược dài lâu để không bỏ lỡ cơ hội tiếp cận với thị trường cả nước...

Niềm tin hàng Việt

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, sau 3 năm phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỷ trọng hàng Việt được tiêu thụ đã tăng lên rõ rệt. Nếu trước đây, 77% NTD cho biết ưa dùng hàng nước ngoài, thì hiện nay 71% người trả lời ưa sử dụng hàng Việt Nam. Có thể nói, đây là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ hàng nội địa đã có chỗ đứng nhất định và chiếm  được cảm tình của đông đảo NTD.

Hàng Việt trong những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Co.opMart Buôn Ma Thuột tổ chức được đông đảo người dân đón nhận.
Hàng Việt trong những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Co.opMart Buôn Ma Thuột tổ chức được đông đảo người dân đón nhận.

Nếu như trước kia hàng Trung Quốc với giá rẻ, nhiều mẫu mã chiếm thế “thượng phong” tại các chợ truyền thống, nhất là ở những vùng nông thôn, thì nay hàng Việt đã từng bước “soán ngôi” và được đông đảo NTD tin dùng, nhất là sau hàng loạt sự cố về an toàn thực phẩm như: sữa nhiễm melamine, đồ chơi trẻ em có chất gây ung thư… Điều dễ thấy đã bắt đầu có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức của NTD từ tâm lý “sính ngoại” chuyển sang xài hàng trong nước, thậm chí trong suy nghĩ của nhiều người cho rằng “mua hàng Việt thấy yên tâm hơn”; người dân đã quen và ưa chuộng hàng do các DN nội địa làm ra hơn. Nhiều thương hiệu Việt nổi lên nhờ việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm như: hàng dệt may Việt Tiến, dầu ăn Cái Lân, sữa Vinamilk, nhựa Đại Đồng Tiến… đã chiếm lĩnh được cảm tình của NTD trong nước. Các nhóm hàng may mặc, tiêu dùng, thực phẩm, đồ dùng gia đình… cũng được các hệ thống phân phối bán lẻ có uy tín cân nhắc đưa vào kinh doanh. Bên cạnh đó, nhiều DN cũng nỗ lực đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các phiên hội chợ, triển lãm để đưa hàng hóa đến tận tay NTD, mặt khác tạo cơ hội để bà con được sử dụng các sản phẩm Việt có chất lượng, giá cả hợp lý.

Tăng độ bao phủ cho hàng Việt

Trên thực tế, không thể phủ nhận vai trò, lợi ích của những đợt hội chợ, triển lãm, chuyến đưa hàng Việt về nông thôn được tổ chức đều đặn tại các  địa phương trong tỉnh; làm cầu nối giúp DN tiếp cận NTD, tăng độ bao phủ cho hàng Việt ở cả vùng thành thị và nông thôn. Cũng qua đây, độ nhận biết về các sản phẩm trong nước của cả tiểu thương và NTD đều nâng lên thấy rõ. Còn nhớ, tại Hội chợ Nông nghiệp - Thương mại Dak Lak năm 2012 tổ chức hồi đầu tháng 10 vừa qua đã thu hút sự  quan tâm của nhiều người, nhất là bà con nông dân tại các huyện trong tỉnh. Điều làm họ thích thú nhất là được nhân viên của các đơn vị như Công ty Cổ phẩn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Thanh Hà, Nông Xanh với phong cách chuyên nghiệp, tận tình hướng dẫn, tư vấn cho bà con cách sử dụng sản phẩm hiệu quả đối với từng loại cây trồng cụ thể. Anh Võ Hồng Dũng, nông dân huyện Krông Pak cho biết: đến hội chợ, anh say sưa với các gian hàng giới thiệu, tư vấn sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và giống cây trồng do các DN nội địa sản xuất. Ngoài những buổi tập huấn của hội nông dân huyện, đây là cơ hội hiếm có  để anh được nghe hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân đúng cách, đúng liều lượng và có kiến thức thêm cho việc sản xuất của mình. Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy tại những lần diễn ra hội chợ như thế, việc DN tổ chức, bố trí nhân viên tư vấn, thông tin về sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hầu hết chỉ mới dừng lại ở việc bày bán, giới thiệu sản phẩm mà chưa chú trọng nhiều đến việc thông tin về hàng Việt. Hơn nữa, các hội chợ vẫn chưa thật sự thu hút nhiều DN có thương hiệu mạnh tham gia.

Hàng do các DN nội địa sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại.
Hàng do các DN nội địa sản xuất chiếm tỷ lệ lớn trong các siêu thị, trung tâm thương mại.

Là một trong những đơn vị “tiên phong” đưa hàng Việt về nông thôn, song ông Bùi Quang Hòa, đại diện Co.opMart Buôn Ma Thuột chia sẻ: trong các chuyến đưa hàng về nông thôn, hàng Việt được đông đảo bà con đón nhận, nhưng điều làm những người có tâm huyết như ông Hòa vẫn băn khoăn là thời gian diễn ra các phiên chợ quá ngắn, chưa đủ để định vị và tạo sức lan tỏa lâu dài về hàng Việt trong lòng NTD. Sau những phiên chợ hàng Việt, các đợt hội chợ, triển lãm qua đi, người dân muốn tiếp tục sử dụng những sản phẩm hàng hóa đã trưng bày thì biết chọn mua ở đâu? Trên thực tế, hàng Việt đã có sức “hút” nhưng vẫn chưa thật sự gắn kết giữa nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng?

Có thể thấy, hàng hóa do các DN trong nước sản xuất rất được NTD ưa chuộng, nhưng hàng Việt sẽ có chỗ đứng vững hơn trong lòng NTD nếu được giới thiệu, tư vấn thêm về các sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, để có cái nhìn tổng thể hơn. Bên cạnh đó, việc gắn kết thương mại, nhất là trong các cuộc hội chợ, triển lãm cũng cần được đẩy mạnh, DN Việt cần có chính sách liên kết với các tiểu thương bán lẻ hoặc thiết lập hệ thống phân phối tại địa phương để giúp NTD thân thiện hơn với hàng Việt.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc