“Phải diệt thường xuyên”!
Tại một hội nghị tổng kết của ngành nông nghiệp vừa diễn ra đầu tháng 11-2012, một số ý kiến cho rằng: việc diệt trừ cây mai dương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở những khu vực công cộng rơi vào tình trạng “Đánh trồng bỏ dùi” nên số diện tích bị loại cây này xâm thực vẫn rất lớn.
Trong những năm gần đây, tình hình phát sinh và xâm hại của một số thực vật ngoại lai như: mai dương, tơ hồng, bèo Nhật Bản có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông-lâm nghiệp. Theo thống kê của Sở NN-PTNT, tính đến tháng 6-2012, cây mai dương đã xuất hiện ở tất cả 15 huyện, thị, thành phố, với tổng diện tích trên 730 ha, trong đó tập trung nhiều ở huyện Krông Ana 134,5 ha, Krông Pak 115 ha, Ea Súp 93 ha, Ea Kar gần 90 ha… Thực hiện Chỉ thị số 01/2009/CT-UBND, ngày 26-5-2009 và Công văn số 5968/UBND-NN và MT, ngày 12-11-2010 của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh công tác phòng trừ thực vật ngoại lai xâm hại, trong 3 năm (từ 2010-2012) ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức trên 190 buổi tập huấn cho nông dân, xây dựng được 26 mô hình diệt trừ cây mai dương, với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên công tác diệt trừ cây mai dương mang lại kết quả không như mong đợi, nhất là ở những vùng công cộng như: hồ thủy lợi, hệ thống kênh mương, bờ ruộng, vùng đất hoang hóa… Sau khi ra quân diệt trừ, một thời gian đâu lại vào đó, loại cây này vẫn tái sinh, phát triển rất nhanh, xâm thực trên diện rộng. Đơn cử như trên địa bàn huyện Ea Súp, năm 2010 mới có 40 ha thì đến nay đã lên tới 93 ha, Lak từ 58 ha năm 2010 đến 2012 là 85 ha, Ea Kar từ 79 ha năm 2010 đến năm 2012 lên tới gần 90 ha… Điều đó cho thấy, công tác diệt trừ cây mai dương không mấy hiệu quả, nếu không tăng cường công tác phối hợp để “cùng tiêu diệt”, bởi một khi cây mai dương phát triển mạnh thì sẽ dẫn đến hậu quả các loài động thực vật không có chỗ để sinh tồn, đặc biệt loại cây này cạnh tranh rất mạnh với cánh đồng cỏ, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi và làm thay đổi dòng chảy của sông, suối. Vì vậy, muốn loại trừ loại cây này thì phải “diệt thường xuyên”.
Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp giao cho các địa phương phải thường xuyên diệt trừ cây mai dương một cách triệt để, trong đó đối với những vùng đất hoang hóa, đất công cộng, sau khi đã triển khai các biện pháp diệt trừ cây mai dương cần giao cho các tổ chức, cá nhân gieo trồng các loại cây trồng phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế, thêm nguồn thu nhập và hạn chế sự phát triển của loại cây này.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc