Một mô hình chăn nuôi lợn theo hình thức khép kín hiệu quả
Bà Lê Thị Lan ở thôn Thăng Quý, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) ban đầu chỉ chăn nuôi lợn theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, rồi phát triển dần số lượng. Để chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, bà đã tham gia học lớp nghiệp vụ thú y 3 tháng tại xã. Nắm được kỹ thuật, bà mở rộng trang trại chăn nuôi của gia đình theo hình thức khép kín. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay đàn lợn của gia đình bà đã phát triển lên 150 con lợn thịt và 20 con lợn nái.
Bà Lan chia sẻ kinh nghiệm: Xây dựng mô hình chăn nuôi theo hình thức khép kín cần bảo đảm tính khoa học, các yếu tố vệ sinh chuồng trại. Khu chuồng trại của gia đình bà được chia làm 3 khu, bố trí khoa học phù hợp với lứa tuổi của đàn lợn, bao gồm: khu chăn nuôi lợn nái sinh sản, khu lợn con và sau cùng là khu nuôi lợn thịt. Để chăn nuôi lợn có hiệu quả thì giống lợn phải được lựa chọn kỹ càng và có chế độ ăn hợp lý theo từng thời kỳ sinh trưởng của lợn. Việc tiêm phòng dịch bệnh cho lợn cũng phải tiến hành định kỳ, chuồng trại phải sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm vào mùa đông. Tuy nhiên trên thực tế, chăn nuôi lợn cũng có nhiều rủi ro bởi lợn có thể mắc dịch bệnh và chết hàng loạt với một số bệnh như: lép-tô, tụ huyết trùng, cảm thương. Do vậy, để thành công trong chăn nuôi lợn, biện pháp tốt nhất là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, mỗi ngày ít nhất hai lần. Đặc biệt, những khi giao mùa là thời điểm rất nhạy cảm đối với đàn lợn, lúc này người chăn nuôi cần phải chú ý đến từng biểu hiện nhỏ của đàn lợn, cho lợn ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhằm tăng cường khả năng kháng bệnh. Thêm vào đó, khi có dịch bệnh xảy ra ở trong vùng, tốt nhất không nên cho người lạ tiếp xúc với đàn lợn và phải phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chuồng trại để ngăn chặn sự phát tán mầm bệnh…
Không những hiểu rõ và vận dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi, bà Lan còn nắm bắt được quy luật dịch bệnh trên đàn lợn thường xuất hiện từ tháng 6 đến tháng 8, và giá lợn thường tăng vào tháng 9 đến tháng 12 âm lịch hằng năm, vì vậy mà thời gian qua, mặc dù trên địa bàn xã có xuất hiện dịch bệnh nhưng đàn lợn của gia đình bà vẫn an toàn. Mỗi năm, gia đình bà Lan bán ra thị trường khoảng 60 tấn lợn thịt, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Từ việc chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín, gia đình bà cũng đã chủ động tạo được chất đốt, mỗi tháng tiết kiệm được hàng triệu đồng trong chi phí sinh hoạt gia đình cũng như chăn nuôi, sản xuất. Từ một hộ nông dân nghèo, đến nay gia đình bà Lê Thị Lan đã vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả và là hộ điển hình trong phong trào thi đua “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của huyện.
Chí Vũ
Ý kiến bạn đọc