Những khó khăn trong quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt Ea Drăng
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thị trấn Ea Drăng (huyện Ea H’leo) là một trong hai công trình trên địa bàn tỉnh nằm trong Dự án phát triển nước ngầm cung cấp nước sạch nông thôn do tổ chức JICA (Nhật Bản) tài trợ không hoàn lại với tổng vốn đầu tư hơn 110 tỷ đồng. Tuy mới đưa vào sử dụng được gần 4 năm nhưng công trình đã và đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành.
Nước sạch dùng để lau nhà, rửa xe
Có dịp cùng nhân viên quản lý công trình đi khảo sát thực tế tại các buôn Lê A, Lê B, Blêch mới thấy được những “nghịch cảnh” trong việc sử dụng nước sinh hoạt của bà con. Chẳng hạn như gia đình chị H’Manh Niê ở buôn Blêch có 7 khẩu, đăng ký sử dụng nước sạch từ năm 2010 mỗi tháng chỉ phải đóng khoảng 6.000 đồng (tương đương 2 m3). Sở dĩ số tiền đóng ít như vậy là do gia đình chị chỉ sử dụng nước sạch để rửa xe, lau nhà còn việc ăn uống, tắm giặt lại dùng nước giếng, nước suối. Tìm hiểu nguyên nhân, chị H’Manh cho biết: “Các hộ trong buôn đều được đấu nối nước sạch miễn phí nên mặc dù nhà có giếng đào rồi nhưng mình cũng đăng ký. Sau này mới biết dùng nước phải đóng tiền 3.000 đồng/m3 nên mọi người trong gia đình bảo nhau chỉ dùng để rửa xe, lau nhà vì nước có mùi khó chịu hơn nước giếng”. Mặc dù được mắc nước sạch từ cuối năm 2009 nhưng các thành viên trong gia đình chị H’Di Ksơr ở buôn Blêch vẫn giữ thói quen ra suối lấy nước về uống trực tiếp mà không hề qua đun nấu. Chị H’Di tâm sự: “Gia đình mình không có giếng nhưng bao năm nay vẫn sử dụng chung giếng đào của nhà bố mẹ để nấu ăn quen rồi, còn nước máy chỉ để tắm giặt. Biết là bất tiện nhưng dùng nước giếng, nước suối cảm thấy ngon, ngọt nên không hề lo lắng bị bệnh tật gì. Không tin anh chị cứ đi xuống suối hầu như lúc nào cũng thấy có người ra lấy nước về uống”. Theo lời chỉ dẫn của chị, chúng tôi đi xuống và được chứng kiến chị H’Dung cùng nhiều trẻ em đang lấy nước ở con suối nhỏ cách buôn chừng 300 m. Tuy đường đi rất dốc, mùa mưa trơn trượt, nhưng không ngày nào con suối này vắng bóng người. Chị H’Dung cho hay, vợ chồng chị mới ra ở riêng, chưa có điều kiện đào giếng nên vẫn dùng chung với bố mẹ. Ngày nào chị cũng ra suối lấy nước về uống, không phải đun vừa đỡ tốn tiền, nước lại mát, ngọt. Khi được hỏi uống nước như vậy không sợ bệnh tật sao, chị và mọi người có mặt ở đây đều chung một suy nghĩ: Con suối này có từ khi họ chưa sinh ra, bao đời nay ông bà, họ hàng, anh em đều uống có sao đâu!?
Mặc dù đã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng hằng ngày, nhiều người dân buôn Blêch (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo) vẫn ra suối lấy nước về uống. |
Khó khăn trong công tác quản lý, vận hành
Anh Nguyễn Huỳnh Long, nhân viên quản lý công trình cấp nước Ea Drăng cho biết, công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2009, do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (NSH-VSMT) tỉnh quản lý, hiện cấp nước 3 buôn và 13 tổ dân phố trên địa bàn thị trấn. Để vận hành hiệu quả công trình, Trung tâm NSH-VSMT tỉnh đã thành lập ban quản lý gồm 4 thành viên có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cấp nước, bảo quản thiết bị, đấu nối, thu tiền nước và sửa chữa những hư hỏng nhỏ. Thời gian đầu công trình hoạt động khá hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn thị trấn. Tuy nhiên, hiện công trình đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành. Để được sử dụng nước sạch, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chỉ phải bỏ công sức đào đường lắp đặt ống dẫn nước vào nhà và trả tiền nước theo quy định 3.000 đồng/m3, còn toàn bộ các loại vật tư như đường ống, đồng hồ, van… đều được UBND huyện hỗ trợ. Vì vậy, tổng số hộ kết nối đã lên đến 2.854 hộ, đạt 73,6% công suất thiết kế của công trình. Nhưng trên thực tế, hiện chỉ có gần 1.900 hộ sử dụng nước, đạt 67% số hộ kết nối. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về việc sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh còn hạn chế, nhất là tâm lý ỉ lại đã dẫn đến việc nợ đọng tiền sử dụng nước kéo dài. Chỉ tính riêng năm 2011, các hộ trong buôn Blêch đã nợ 25 triệu đồng và tình trạng này tiếp tục kéo dài trong 10 tháng đầu năm 2012. Việc “khất nợ” tiền dùng nước đã khiến Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong chi trả tiền điện, tiền lương, mua hóa chất xử lý nước và chi phí quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa công trình. Thêm vào đó, hiện nay vào mùa khô thường xảy ra tình trạng hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến trữ lượng nguồn nước ngầm trên địa bàn. Tại công trình, tất cả các giếng khoan đều hoạt động gần như hết công suất nhưng vì nguồn nước ngầm ngày càng hao hụt, suy giảm nên không thể cấp nước liên tục. Mặt khác, tiêu chuẩn cấp nước theo thiết kế ban đầu là 60 lít/người/ngày nhưng thực tế hiện nay mức sử dụng nước tại thị trấn là 120 lít/người/ngày nên tình trạng thiếu nước trầm trọng. Do đó, công trình phải điều tiết việc cấp nước theo lịch cho bà con. Không những vậy, ở một số buôn, đường ống và các thiết bị cấp nước thường xuyên gặp sự cố do thi công đường giao thông và nhiều hộ dân chưa có trách nhiệm bảo vệ công trình. Chẳng hạn như tại buôn Blêch, có 19 hộ làm hư hỏng đồng hồ nên nhân viên trạm không thể ghi chỉ số đồng hồ chính xác. Tại buôn Lê A, Lê B, đường ống cấp nước, các van khóa của công trình bị một số người dân đập bể, tháo dỡ nhiều lần gây khó khăn cho công tác sửa chữa, duy trì hoạt động cấp nước.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm, đối với các hộ hiện nay vẫn còn nợ tiền sử dụng nước, Trung tâm sẽ gửi danh sách cho UBND thị trấn và Ban tự quản buôn kiểm tra, theo dõi và gửi giấy thông báo về hộ gia đình. Nếu hộ nào không chấp hành, Trung tâm sẽ áp dụng biện pháp tháo dỡ đồng hồ và ngừng cấp nước. Những hộ có đồng hồ nước bị hư hỏng do không bảo quản tốt, Trung tâm sẽ phối hợp với Ban tự quản thôn buôn đến gặp trực tiếp để ký cam kết bảo vệ các dụng cụ cấp nước của công trình và thay thế cho bà con sau khi họ đóng tiền. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nước, tháng 4 - 2012 vừa qua, Trung tâm đã được UBND tỉnh cho chủ trương bổ sung nguồn nước bằng cách đào thêm giếng. Nước tại giếng này sẽ được bơm dẫn về hệ thống công nghệ xử lý nước tại công trình để lắng lọc qua cát, than hoạt tính và châm Clo trước khi đưa vào mạng lưới đường ống phân phối. Nguồn nước này qua kiểm nghiệm bảo đảm theo QCVN 02 của Bộ Y tế.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc