Tái canh diện tích cà phê già cỗi
Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng đang chiếm tỷ lệ khá cao và không ngừng tăng lên, đe dọa sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam, và kinh tế người dân. Tuy nhiên, để tái canh loại cây này một cách hiệu quả và mang tính bền vững thì còn cả một chặng đường dài…
Khó khăn trong triển khai
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Dak Lak, toàn tỉnh hiện có 200.193ha cà phê (chiếm gần 40% diện tích cà phê toàn quốc), trong đó gần 30.000 ha được trồng từ trước những năm 1990, chưa kể còn khoảng trên 40.000 ha cà phê dưới 20 năm tuổi nhưng đã có dấu hiệu già cỗi, sinh trưởng kém, ít cành cấp, năng suất và chất lượng thấp… mà nguyên nhân là do cây cà phê trồng tại một số vùng đất không phù hợp, giống cây và quá trình đầu tư chăm sóc không bảo đảm… Theo nhận định của các nhà chuyên môn: khoảng 5 - 10 năm tới, toàn tỉnh sẽ có gần 50% diện tích cà phê bị “lão hóa”, hết chu kỳ kinh doanh, phải cưa đốn, phục hồi, hoặc trồng mới. Tuy nhiên, đối với hầu hết người dân Dak Lak, cà phê là loại cây trồng chủ lực, gắn bó lâu đời và đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ dân, trong khi để tái canh cây cà phê và chờ đến lúc cho thu hoạch thì phải mất 5 - 6 năm đầu tư không có lãi (cà phê già cỗi khi nhổ bỏ phải đợi 2 - 3 năm sau mới có thể tái canh lại, và trồng mới cũng phải đầu tư, chăm sóc sau 3 năm thì cây bắt đầu cho quả). Tại nhiều địa phương trong tỉnh, bà con thực hiện tái canh cà phê không đúng kỹ thuật do tâm lý nóng vội, xử lý đất không tốt, lại trồng mới ngay sau khi nhổ bỏ cà phê cũ nên cây thường kém phát triển, nhiều sâu bệnh. Kết quả nghiên cứu đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Ea Kmat) cho thấy: các diện tích cà phê già cỗi sau 20 - 30 năm khai thác tuy không có triệu chứng rõ rệt của bệnh vàng lá, nhưng khi nhổ bỏ để trồng ngay lại chu kỳ mới thì cây thường bị vàng lá, rễ tơ thối sau 2 - 3 năm đầu, cây phát triển kém và có thể chết. Nguyên nhân của bệnh trên được xác định là do tuyến trùng Pratylenchus coffeae và 2 loại nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporum gây nên hội chứng vàng lá, thối rễ trên cây cà phê kinh doanh cũng như cà phê kiến thiết cơ bản tái canh trên đất cũ.
Nhiều diện tích cà phê già cỗi tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột đang được phá bỏ để chuyển sang trồng tiêu. |
Bên cạnh những hạn chế nêu trên, để thực hiện tái canh cà phê hiệu quả, thì người dân phải có nguồn vốn khá để đầu tư mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh… phục vụ quá trình trồng mới cây cà phê (chi phí trồng mới mỗi ha cà phê khoảng 50 - 70 triệu đồng, chưa kể công lao động). Cái khó bó cái khôn, có lẽ vì vậy mà người dân ít mặn mà với việc tái canh cây cà phê (từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 1.000 ha cà phê tái canh); nhiều hộ sau khi phá bỏ diện tích cà phê già cỗi liền chuyển sang trồng tiêu, cây ăn quả khác, gây khó khăn và phá vỡ quy hoạch sản xuất của ngành nông nghiệp tỉnh, cũng như thiệt hại về lâu dài cho kinh tế của người nông dân.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình tái canh
Trong quá trình tái canh cây cà phê, việc thực hiện các biện pháp khoa học kỹ thuật là rất cần thiết, giúp người dân rút ngắn được thời gian luân canh (từ lúc nhổ bỏ cà phê già cỗi đến khi trồng mới) và có thêm thu nhập trong quá trình tái canh. Sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, Viện Ea Kmat đã cho ra những dòng sản phẩm cà phê giống vượt trội cả về năng suất, phẩm chất cây trồng và đặc tính chống chịu sâu bệnh, thời tiết. Điển hình là các dòng vô tính từ TR4 đến TR13, có năng suất đạt từ 4,5 - 7,3 tấn nhân/ha, hoặc giống ghép được chọn lọc từ các dòng cây bố mẹ ưu tú cho năng suất trên 7 tấn nhân/ha (cao hơn cà phê thường truyền thống từ 2-4 tấn nhân/ha) lại có thời gian sinh trưởng từ khi trồng đến lúc thu hoạch chính thức sớm hơn khoảng 1 năm.
Từ thành công này, mỗi năm Viện Ea Kmat đã cung cấp cho toàn vùng Tây Nguyên khoảng 1 triệu cây giống và 200 nghìn chồi ghép cao sản. Ngoài ra, về kỹ thuật thực hiện tái canh cà phê sau khi nhổ bỏ cây cũ, người dân buộc phải khai hoang, thu gom rễ để loại bỏ nguồn dịch hại trên đất, đồng thời xử lý vôi bột, hóa chất… sau 2 năm mới có thể trồng mới. Để rút ngắn thời gian luân canh hiệu quả, người dân có thể trồng những loại cây họ đậu, ngô, bông vải, để vừa có thêm thu nhập trong thời gian chờ tái canh lại không làm ảnh hưởng xấu đến cây cà phê sau này. Thực tế đã có không ít hộ gia đình, doanh nghiệp cà phê triển khai thành công việc tái canh, như Công ty cà phê Ea Pôk (huyện Cư M’gar) thực hiện từ năm 1996- 2007 với diện tích 180 ha. Trong quá trình luân canh để trồng mới, công ty đã triển khai trồng đậu và bắp, vừa giải quyết được việc làm ổn định cho lao động lại không làm giảm sút doanh thu hằng năm của đơn vị. Đến nay, toàn bộ diện tích cà phê tái canh đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt từ 2,5 đến trên 3 tấn nhân/ha. Công ty cà phê Phước An (huyện Krông Pak), khi tái canh một số diện tích cà phê liên kết với người dân, đã sử dụng đồng bộ giống cây con cao sản lớn tuổi (từ 18 - 20 tháng tuổi) nhằm rút ngắn thời gian tái canh, đồng thời tiến hành trồng xen sầu riêng trong rẫy cà phê để giảm bớt công chăm sóc; khi cây sầu riêng lên cao sẽ tạo tán và chắn gió cho cà phê phát triển tốt, chống thất thoát nước vào mùa khô… Hiện năng suất cà phê bình quân đạt 3,5 tấn nhân/ha, sầu riêng trồng xen cũng cho năng suất trên 4 tấn quả/ha, thu lợi khoảng 4.000 USD/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh chia sẻ: cùng với công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người dân các địa phương về việc chăm sóc, tái canh cây cà phê hiệu quả, hằng năm, ngành nông nghiệp tỉnh cũng không ngừng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, ban, ngành liên quan trong và ngoài tỉnh tăng cường các mối liên kết bền chặt với người trồng cà phê Dak Lak, phát triển các mô hình cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C, UTZ... và thu mua với giá cao, đem lại nguồn lợi kinh tế ổn định cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời để cây cà phê tiếp tục là cây trồng chiến lược của tỉnh.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc