Hiệu quả từ mô hình cải tạo vườn cà phê bằng giống cao sản ở Krông Pak
Huyện Krông Pak hiện có trên 18.300 ha cà phê kinh doanh, trong đó có hơn 10.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Để nâng cao hiệu quả kinh tế của cây cà phê, từ năm 2007 đến nay ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng nhiều mô hình trình diễn cải tạo vườn cây.
Vườn cà phê ghép cải tạo 4 năm tuổi phát triển tốt, năng suất cao của gia đình ông Tăng Ngọc Quế. |
Nhìn vườn cà phê trên 3 năm tuổi đang phát triển tốt của gia đình ông Tăng Ngọc Quế ở thôn Tân Lập (xã Ea Yông), ít ai biết rằng cách đây 4 năm, khu vườn 5 sào này chủ yếu là cây cà phê già cỗi được trồng từ năm 1987. Mặc dù biết vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh, nhưng nếu nhổ bỏ trồng lại toàn bộ theo cách truyền thống thì sẽ lâu có thu hoạch, chi phí đầu tư lại cao nên ông cứ chần chừ mãi. Năm 2009, gia đình ông được cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện tư vấn kỹ thuật cải tạo vườn cà phê bằng cách cưa gốc ghép chồi. Ở thời điểm đó, cách làm này khá mới mẻ nên ban đầu ông Quế rất phân vân, sau khi được hướng dẫn tận tình kỹ thuật ghép, chăm sóc, tưới nước, bón phân, tỉa cành… ông mạnh dạn áp dụng. Chỉ sau 2 năm, vườn cây phát triển tốt, ít sâu bệnh, đến nay bắt đầu cho thu bói, quả to, chín đều. Ông Quế cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ bón nhiều phân vô cơ sẽ tốt cho vườn cây nhưng từ khi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, gia đình đã sử dụng hợp lý phân hữu cơ, làm cỏ, tỉa cành, tưới nước… đúng thời điểm nên hạn chế được sâu bệnh, nhất là bệnh rỉ sắt, vườn cây sinh trưởng tốt. Tuy mới bước sang niên vụ thứ tư nhưng năng suất đã đạt 4 tạ nhân/sào và chỉ khoảng 2 năm nữa khi cây cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh, năng suất ước đạt từ 5-6 tạ nhân/sào. Giống cà phê này bán được giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với giá thị trường, với mức giá như hiện nay, gia đình sẽ có lãi từ việc trồng cà phê”.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra vườn cà phê trồng mới bằng các giống ghép của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn. |
Ngoài phương pháp ghép chồi đối với những vườn cây có bộ gốc không bị sâu bệnh, Phòng Nông nghiệp huyện cũng khuyến khích người dân cải tạo vườn cà phê bằng cách trồng mới những diện tích cây già cỗi, năng suất thấp, thường xuyên bị bệnh rỉ sắt và các bệnh về rễ. Điển hình như vườn cà phê của gia đình anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Tân Lập (xã Ea Yông). Trước đây 1 ha cà phê của gia đình anh dù chăm bón kỹ cũng chỉ thu được khoảng 2 tấn nhân, những năm giá cà phê xuống thấp thì vừa đủ chi trả tiền phân bón, công tưới, thu hái... Sau khi xem xét kỹ vườn cây, cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện đã tư vấn cho gia đình anh nhổ diện tích cũ, cải tạo lại đất bằng vôi bột và trồng luân canh các loại hoa màu, sau đó trồng lại bằng giống cà phê ghép cao sản. Anh Sơn cho hay: “Để lấy cũ nuôi mới, gia đình tôi chỉ trồng lại trước 5 sào. Qua gần 3 năm chăm sóc, đến nay vườn cà phê ghép đã bắt đầu cho thu bói, năng suất đạt 2 tạ nhân/sào, khi bước vào thời kỳ kinh doanh sẽ đạt khoảng trên 5 tạ nhân/sào. So với giống cà phê đã trồng trước đây, giống cà phê ghép cao sản này có nhiều ưu điểm vượt trội, cây ít bị sâu bệnh, tán nhiều, mắt trái đều, mềm, dễ hái nhưng ít bị rụng quả”.
Qua thực tế các mô hình thử nghiệm, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo các nông hộ cải tạo vườn cà phê bằng hai hình thức mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với các vườn cây đã hết chu kỳ kinh doanh nhưng không bị các bệnh về rễ, gỉ sắt chỉ cần cưa đốn phục hồi, chọn chồi để ghép tạo chu kỳ kinh doanh lần 2. Để phát triển cà phê bền vững, cải tạo, thay thế dần diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, ngành Nông nghiệp huyện đã liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật Nông – Lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng các vườn giống cây cà phê ghép như TR4, TR5, TR6, TR9, TR10.... Đây là những giống cà phê cao sản chọn lọc có khả năng kháng bệnh cao, nhiều quả, cỡ hạt lớn, chín tập trung, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Phương pháp cưa đốn phục hồi, chọn chồi ghép bằng các dòng vô tính chọn lọc không những rút ngắn chu kỳ kiến thiết cơ bản mà còn cho năng suất khá cao. Cụ thể, diện tích cà phê trồng mới phải kéo dài thời gian kiến thiết cơ bản 3 năm, nhưng áp dụng phương pháp ghép chồi, đến năm thứ 2 đã cho thu bói và năm thứ 3 trở đi đạt năng suất từ 2 - 3 tấn nhân trở lên/ha. Đối với các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh nhưng bị các bệnh về rễ, tuyến trùng, thì nên nhổ bỏ, trồng mới nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật cải tạo đất bằng cách trồng luân canh các loại cây họ đậu tối thiểu 1 năm. Ông Y Thi Niê, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, qua các mô hình thực tế cho thấy giống cà phê ghép rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện nên Phòng đã mạnh dạn tư vấn cho bà con nông dân chuyển đổi diện tích già cỗi, năng suất thấp sang trồng các giống cà phê ghép. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.000 ha cà phê phát triển theo hướng bền vững cho năng suất cao, chất lượng hạt đồng đều, ít sâu bệnh. Phòng cũng phối hợp với các ngành chức năng xây dựng nhiều mô hình trình diễn để nông dân tham quan học tập kinh nghiệm như tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, hợp lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê.
Có thể nói, để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê, bên cạnh những nỗ lực của ngành Nông nghiệp huyện, sự tuyên truyền, vận động của các ngành, đoàn thể, người nông dân cũng cần mạnh dạn, dứt khoát hơn nữa trong việc cải tạo vườn cà phê bằng các giống cà phê ghép cho năng suất cao. Đây là mô hình hiệu quả, cần nhân rộng trong thời gian tới.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc