Sản xuất theo tiêu chuẩn Utz Certified: Triển vọng phát triển cây ca cao bền vững
Chương trình ca cao đạt chứng chỉ UTZ Certified của Công ty Cargill và Tổ chức phát triển Hà Lan Rabobank được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai từ năm 2010, thực hiện cho các nông hộ ở các huyện: Lak, Ea Kar, M’Drak và các đơn vị: Công ty Cao Nguyên Xanh; Công ty TNHH Một thành viên Cà phê Tháng 10; Công ty Cà phê Buôn Hồ và Công ty Cà phê Krông Ana.
Để đạt được chứng nhận UTZ Certified, các nông hộ phải sản xuất ca cao theo bộ nguyên tắc hữu cơ của UTZ Certified, trong đó 72/174 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện trong năm thứ nhất. Các tiêu chí nhấn mạnh đến nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành ca cao cho người dân buôn Phôk, xã Yang Tao (Lak). |
Gia đình bà H’Bim B’Krông ở buôn Phôk, xã Yang Tao (huyện Lak) tham gia Chương trình ca cao UTZ Certified từ năm 2010. Trước đây gia đình bà H’Bim B’Krông cũng như hầu hết bà con khác chỉ trồng ca cao theo kinh nghiệm; nhưng từ khi tham gia Chương trình gia đình bà đã thay đổi thói quen canh tác, từ khâu làm đất đến chăm sóc đều đúng quy trình và thời gian. Sau 2 năm tham gia Chương trình, 8 sào ca cao của gia đình bà đã được chứng nhận UTZ Certified; trong đó hiện nay 4 sào đã cho thu hoạch với sản lượng gần 800 kg hạt ca cao đã lên men. Với giá thị trường giao động ở mức 43.000 đồng/kg, nếu là ca cao có chứng nhận UTZ Certified như của gia đình bà sẽ được thu mua cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg…
Tương tự như gia đình bà H’Bim B’Krông, gia đình ông Y Wiet Niê ở buôn Phôk trước đây cũng chỉ quen với việc trồng ca cao theo kinh nghiệm nên rủi ro rất cao. Hiện nay, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn UTZ Certified nên ca cao phát triển tốt. Hằng ngày ông Y Wiet đều ghi chép tất cả công việc chăm sóc ca cao để các tổ chức thu mua có thể truy nguyên nguồn gốc trong quá trình sản xuất ca cao.
Có thể nói, so với một số cây công nghiệp khác như cà phê, cao su thì ca cao được phát triển ở Dak Lak muộn hơn nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ông Nguyễn Văn Thiết, Trưởng đại diện Tổ chức UTZ Việt Nam cho biết: Dak Lak là địa phương có nhiều tiềm năng hơn cả so với các địa phương khác trong cả nước để tăng diện tích ca cao có chứng nhận. Mới đây Chính phủ Hà Lan đã tài trợ cho tỉnh Dak Lak và một số tỉnh khác hơn 1,4 triệu Euro để thực hiện Dự án.
Dak Lak hiện có gần 2.000 ha ca cao, trong đó có 4 doanh nghiệp và nhiều hộ nông dân trồng ca cao đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified. Điều này đang tạo ra nhiều triển vọng cho việc phát triển cây ca cao bền vững trên địa bàn tỉnh. Thông qua việc sản xuất ca cao bền vững theo tiêu chuẩn UTZ Certified, người nông dân sẽ có điều kiện nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, gắn hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường, đây cũng là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Dak Lak đang hướng tới.
Như Ngọc
Ý kiến bạn đọc