Những chiếc “cần câu” hiệu quả trong công tác xóa đói giảm nghèo huyện M’Drak
Là một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp, đất đai kém màu mỡ, năng suất cây trồng thấp, huyện M’Drak xác định công tác xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở. Những năm qua, huyện M’Drak đã triển khai nhiều chương trình, mô hình nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015.
Tại 3 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 40%) là Cư M’ta, Ea Trang, Cư San đề án giảm nghèo được triển khai đã bước đầu có hiệu quả. Xã Cư M’ta gồm 18 thôn buôn, trong đó có 3 buôn vùng III. Theo số liệu tổng điều tra hộ nghèo của xã cuối năm 2011, toàn xã có 617 hộ nghèo với 2.679 khẩu, chiếm tỷ lệ 43,57% so với tổng dân số toàn xã, trong đó hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại chỗ có 431 hộ, chiếm tỷ lệ 30,9%. Bằng những việc làm thiết thực: xây dựng chương trình, kế hoạch giảm nghèo cụ thể; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung lao động sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế gia đình; thực hiện các chính sách, mô hình nhằm hỗ trợ giảm nghèo như: cấp 50 con bò cho các hộ nghèo, tập huấn, tư vấn vật tư, chuồng trại và kỹ thuật chăn nuôi cho từng hộ nuôi bò… nhờ vậy trong năm 2012, số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 573 hộ với 2.453 khẩu, chiếm tỷ lệ 39,98% (giảm 3,59% so với năm 2011).
Cũng như xã Cư M’ta, xã Ea Trang và xã Cư San là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện M’Drak, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 42,46 % và 49,8% dân số (cuối năm 2011). Để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập kinh tế cho người dân, 2 xã đã phối hợp với Dự án Phát triển lâm nghiệp cải thiện đời sống vùng Tây Nguyên triển khai trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc và làm nguyên liệu sản xuất cho các nhà máy. Thông qua công tác trồng rừng, người dân vùng Dự án được hỗ trợ kinh phí mua cây giống, phân bón, công chăm sóc trong 3 năm, bình quân mỗi hecta là 500 USD. Khi thu hoạch, các hộ dân chỉ phải nộp lại 30% số tiền được đầu tư cho UBND xã để phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng. Người dân tham gia Dự án còn được các đoàn chuyên gia cố vấn trao đổi, bổ trợ kiến thức, phương pháp trồng và bảo vệ rừng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Theo tính toán dự kiến, sau chu kỳ 5-7 năm trồng và chăm sóc, 1 ha rừng sẽ cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Với phương châm trao cho người nghèo “cần câu” để họ tự vươn lên, huyện M’Drak còn chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng các biện pháp thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích hợp với từng địa phương và khuyến khích người dân trên địa bàn huyện học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Thực tế cho thấy nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả góp phần nâng cao đời sống người dân như: mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa và các loại cây màu ở vùng đất không phù hợp, năng suất kém chuyển sang trồng mía với giá trị kinh tế cao, cho thu nhập từ 50 – 60 triệu đồng/ha tại thôn 2, xã Cư M’ta; mô hình trồng ngô lai tại xã Ea Riêng; mô hình chuyển đổi cây trồng đối với cây công nghiệp lâu năm tại xã Ea Lai đã chuyển diện tích cây cà phê kém chất lượng, hiệu quả thu hoạch thấp sang trồng cây tiêu cho năng suất gấp 2 – 3 lần trong điều kiện thuận lợi…
Bên cạnh đó huyện cũng chú trọng đến việc tuyên truyền nhằm thay đổi, tạo sự chuyển biến về nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, vươn lên của người nghèo. Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ khoa học kỹ thuật được triển khai thường xuyên. Các gương điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo, các mô hình kinh tế hiệu quả… được tuyên truyền nêu gương và nhân rộng tại các địa phương, giúp cho người nghèo có thêm niềm tin, nghị lực thoát nghèo. Trong đó anh Cao Văn Chưng (thôn 7, xã Cư Prao), chị Lê Thị Tâm (thôn 9, xã Ea Lai), anh Y Sen Mlô (xã Krông Jin), Chi hội Phụ nữ thôn 6 (xã Ea Riêng)… là những điển hình của sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế giỏi.
Có thể thấy công tác xóa đói giảm nghèo huyện M’Drak đã từng bước mang lại chuyển biến tích cực: Đến nay toàn huyện chỉ còn 3.846 hộ nghèo/15.623 hộ dân, chiếm tỷ lệ 24,62% (giảm 511 hộ tương đương 3,73% so với đầu năm 2012) đạt chỉ tiêu giảm từ 3 – 4% theo NQ HĐND huyện, đạt 77,7% so với kế hoạch tỉnh giao; hộ cận nghèo 1.558 hộ (giảm 223 hộ, tương đương 1,62% so với đầu năm 2012). Từ những kết quả đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo năm 2012, trong năm 2013, huyện M’Drak tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo với nhiều phương án, nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào mục tiêu mỗi năm giảm 3% tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc