Multimedia Đọc Báo in

Ế vốn tín dụng!

16:28, 28/03/2013

Mặc dù đã triển khai khá nhiều giải pháp, trong đó có cả việc hạ lãi suất cho vay, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp. Ngoài yếu tố mùa vụ, còn nhiều nguyên nhân khác khiến cho vốn vay “bị ế” trong thời gian qua.

 Đại diện  doanh nghiệp đề xuất  biện pháp khơi thông vốn tín dụng tại một  hội nghị  kết nối  ngân hàng và  doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp đề xuất biện pháp khơi thông vốn tín dụng tại một hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.

Chưa đầy 3 tháng đầu năm 2013, thị trường tiếp tục đón nhận khá nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng (NH). Chẳng hạn, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có “Gói tín dụng cho vay ưu đãi trị giá 2.500 tỷ đồng”, “Gói tín dụng 1.000 tỷ đồng ưu đãi cho vay”; NH TMCP Á Châu (ACB) dành hạn mức tín dụng lên đến 2.000 tỷ đồng cho chương trình ưu đãi lãi suất vay, phục vụ nhu cầu vốn kinh doanh đầu năm của khách hàng cá nhân và hộ gia đình, gói tín dụng “Tài trợ nhập khẩu lãi suất ưu đãi” dành cho các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu với quy mô chương trình lên đến 2.000 tỷ đồng; NH TMCP Quân đội (MB) có gói hỗ trợ 2.000 tỷ đồng với lãi suất từ 9%/ năm, gói tín dụng trị giá tối thiểu 1.000 tỷ đồng “MB chung sức cùng các DNVVN”, lãi suất cho vay từ 9.99%/năm… Mỗi gói tín dụng trên có những ưu đãi khác nhau, nhưng nhìn chung đều có mức lãi suất cho vay khá thấp so với lãi suất trên thị trường trong thời điểm hiện tại; mục đích vay cũng tương đối đa dạng, từ nhập khẩu đến bổ sung vốn lưu động, tiêu dùng. Dù vậy, tín dụng những tháng đầu năm vẫn tăng trưởng rất chậm. Số liệu tổng hợp của UBND tỉnh cho thấy, tháng 1-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là 34.611 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cuối năm 2012; đến tháng 2-2013, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 34.804 tỷ đồng, tăng nhẹ với mức 0,6% so với tháng trước.

Theo đại diện một số NH, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu nên giải ngân rất khó khăn, có khá nhiều gói cho vay lãi suất chỉ 8%-9%/năm, nhưng vẫn không có nhiều DN vay. Giám đốc một chi nhánh NH TMCP bộc bạch: “năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của chi nhánh được 15%, kế hoạch năm nay tăng 20% - đây là một thử thách lớn do nhu cầu vay của khách hàng không lớn. Đại diện một Chi nhánh NHTM Nhà nước cho biết, tín dụng của chi nhánh này trong những tháng đầu năm chỉ tăng được vài chục tỷ đồng – một con số quá nhỏ so với tổng dư nợ hiện tại của chi nhánh. Theo vị này, hiện tại có khá nhiều yếu tố khiến cho dòng chảy vốn bị tắc nghẽn. Đầu tiên là mùa vụ, cũng như mọi năm, thời điểm này rất ít người vay tiền để đầu tư kinh doanh, còn các DN xuất khẩu thì cũng đã thu được tiền hàng nên tranh thủ trả nợ. Nhưng lý do quan trọng hơn là niềm tin của DN vào chính sách sẽ có những thay đổi, nhiều kế hoạch đang dừng ở mức đề án khiến DN đắn đo khi muốn vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó cũng có một số DN còn trông chờ lãi suất giảm thêm mới quyết định vay vốn đầu tư.

Theo các chuyên gia tài chính, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức… thấp kỷ lục! Trong hoàn cảnh này, lãi suất cho vay không phải là phương thuốc thần kỳ và duy nhất, thậm chí nếu tiếp tục hạ lãi suất, tác dụng phụ có thể sẽ xảy ra. “Chúng ta đã có bài học sâu sắc khi hạ lãi suất nhanh và mạnh vào các năm 2008 và 2009, để rồi sau đó lạm phát bùng lên và lại phải nỗ lực kiềm chế lạm phát. Đây là điều cần được các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận một cách nghiêm túc, khoa học, không phải hạ lãi suất là tốt” - giám đốc một NH tâm sự. Đại diện nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất tiếp tục giảm thêm, nhưng cũng thừa nhận rằng, lãi suất chưa phải là yếu tố chính, cái khó nhất của DN hiện nay là hàng hoá đang tồn kho cao, sản xuất đình đốn, sức cầu giảm sút, hàng làm ra không bán được; bạn hàng, đối tác chiếm dụng vốn lẫn nhau… mới là những tác nhân chính khiến DN không dám, thậm chí là không muốn vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh do ngại rủi ro. Tóm lại, nút gỡ quan trọng nhất hiện nay là việc xử lý hàng tồn kho và kích thích vào sức cầu tiêu thụ của nền kinh tế kết hợp với việc hạ lãi suất thì mới phát huy được hiệu quả tổng thể. 

Dự báo năm 2013 sẽ còn khó khăn, vì vậy để cải thiện tình hình, yêu cầu cấp thiết hiện nay là các cơ quan chức năng cùng vào cuộc, tháo gỡ khó khăn trên để giúp DN tiếp cận vốn tín dụng thuận tiện hơn. Về phía các NH cũng cần tiếp tục rà soát lại các khoản vay và giảm lãi suất với những món vay mới để giảm bớt khó khăn cho DN. Hiện, đã có NH kết hợp với các tổ chức hội, chính quyền địa phương tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị gặp gỡ khách hàng ngay tại địa phương xã, phường để vừa tìm hiểu nhu cầu vốn của khách hàng, vừa triển khai các chính sách, cam kết của NH đối với khách hàng.

Tại Chỉ thị về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng năm 2013, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng giữa TCTD với khách hàng theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng;  đồng thời góp phần hỗ trợ DN và người dân duy trì, phát triển sản xuất-kinh doanh, như cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ (điều chỉnh kỳ hạn, gia hạn nợ), miễn, giảm lãi vốn vay trên cơ sở khả năng tài chính của TCTD…

 Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.