Để các HTX nông nghiệp phát triển bền vững
Cũng như các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể (KTTT) nói chung và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng ở Dak Lak đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Vì thế, mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới có ý nghĩa thiết thực với nhiều hộ nông dân, xã viên trong điều kiện thiếu vốn, tư liệu sản xuất manh mún…
Xã viên HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ea Ngai, huyện Krông Buk trao đổi kỹ thuật chăm sóc cà phê. |
Từng bước hấp dẫn nông dân
Nếu như có một thời kỳ, người dân không mặn mà với KTTT, thì gần đây nhiều hộ lại mong muốn trở thành xã viên của HTX, được góp vốn, góp tư liệu sản xuất để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Sự thay đổi trong nhận thức này xuất phát từ chỗ các HTX, nhất là HTX nông nghiệp đã cải thiện được hình ảnh khi tìm ra lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng thu nhập cho xã viên, trở thành “bà đỡ” cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Điển hình về niềm tin của xã viên, nông dân đối với KTTT ngày càng được củng cố khi một số HTX nông nghiệp đã liên kết, hợp tác với doanh nghiệp để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững (mô hình liên kết sản xuất cà phê) và trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với xã viên, hộ nông dân. Qua HTX, xã viên được doanh nghiệp hỗ trợ nhiều mặt như: tập huấn khoa học kỹ thuật, được đầu tư một phần vật tư nông nghiệp, cập nhật thông tin về thị trường. Không chỉ vậy các doanh nghiệp liên kết còn cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm cùng với ưu đãi về trợ giá (giá nông sản do doanh nghiệp thu mua thường cao hơn giá thị trường) khiến xã viên, nông dân rất phấn khởi. Ông Nguyễn Đình Hào, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Công Bằng (xã Cư Đlêi M’nông, huyện Cư M’gar) cho biết: niên vụ cà phê năm 2012-2013, HTX đã ký được 5 hợp đồng mua bán cà phê với số lượng trên 500 tấn, giá bình quân 42.500 đồng/kg, tăng hơn 3.000 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm đó; lợi nhuận tăng thêm cho xã viên hơn 1,5 tỷ đồng. Không chỉ làm tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, quan tâm đến đời sống của xã viên, hỗ trợ các hoạt động xã hội, năm 2012 HTX còn hỗ trợ xã viên hơn 1,1 tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng vườn cây. Đối với HTX Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), tuy mới thành lập năm 2011 nhưng đã thu hút 85 xã viên, với mức thu nhập từ 3 triệu đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Để đạt được điều này, Ban quản trị và xã viên xác định hoạt động sản xuất kinh doanh là đa ngành, trong đó chú trọng kinh doanh dịch vụ nông nghiệp và giống cây trồng. HTX đã quy hoạch lại vùng sản xuất các loại giống cây nông lâm nghiệp chất lượng cao; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng các dịch vụ nông nghiệp. Có hướng đi phù hợp và hiệu quả kinh tế cao là điểm mấu chốt để xã viên trụ vững lâu dài với các HTX.
Cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể
Không thể phủ nhận những chính sách hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực; cấp đất; hỗ trợ lãi suất, triển khai áp dụng khoa học-công nghệ; xóa nợ đọng; miễn, giảm thuế... trong những năm qua đã “trợ lực” cho KTTT phát triển, nâng cao thu nhập của xã viên và người lao động. Bằng chứng là trung bình mỗi năm ở Dak Lak có khoảng 20 HTX và hàng trăm tổ hợp tác được thành lập. Vai trò của KTTT, mà nòng cốt là hệ thống HTX nông nghiệp lại càng được khẳng định khi cả hệ thống chính trị đang dồn sức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Song thẳng thắn nhìn nhận: KTTT vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng của một tỉnh với hơn 80% dân số là nông dân, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 48,81% trong cơ cấu kinh tế. Trong tổng số 151 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực tế có đến 75% số HTX hoạt động trung bình hoặc yếu kém. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Kar trăn trở, mặc dù mục đích cuối cùng của HTX là hiệu quả kinh tế, nhưng không thể coi HTX là doanh nghiệp vì tính chất khác nhau về đối tượng phục vụ, cơ chế quản lý và phương thức phân phối thu nhập. Nếu cứ để các HTX tự xoay xở như một doanh nghiệp, trong khi phải gánh thêm sứ mệnh xã hội, vô hình trung đẩy loại hình kinh tế này vào thế “vừa xay lúa vừa bồng em”. Trong cơ chế thị trường, chỉ riêng sự tâm huyết, nhiệt tình của Ban Chủ nhiệm HTX là chưa đủ, mà cần phải có sự hậu thuẫn của chính quyền với các chương trình ưu đãi, những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực. Không như các lĩnh vực kinh tế khác, HTX nông nghiệp có tính đặc thù bởi phần lớn xã viên là nông dân. Họ có kinh nghiệm sản xuất, có nhiệt huyết, nhưng thiếu kiến thức, năng lực để tìm kiếm thị trường cho sản phẩm do mình làm ra. Sự hạn chế này dẫn đến nhiều HTX nông nghiệp tồn tại hình thức hoặc hoạt động cầm chừng. Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ nông nghiệp, trước hết cần giúp họ bán được các sản phẩm nông nghiệp làm ra và mua được vật tư đầu vào chất lượng, đúng giá; có được nguồn tín dụng dài hạn lãi suất thấp; tiếp cận khoa học kỹ thuật để giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Rõ ràng HTX nông nghiệp không thể nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà cần có sự liên kết chặt chẽ của “4 nhà”, trong đó Nhà nước với vai trò nhạc trưởng sẽ hỗ trợ giúp đỡ các “nhà” khác phát huy tốt vai trò của mình. Bên cạnh đó, người nông dân, do tập quán sản xuất nhỏ lẻ nên khi tham gia vào HTX chưa thực sự mạnh dạn đầu tư, góp vốn, do vậy, việc huy động nguồn nhân lực, tài lực để đảm đương quá trình phát triển của thành phần kinh tế quan trọng này gặp rất nhiều khó khăn. Hiện 60% HTX nông nghiệp không có trụ sở, nhà xưởng sản xuất ổn định; không có đất thuê lâu dài, đồng nghĩa với việc các HTX chưa thể yên tâm đầu tư đổi mới công nghệ, nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ea Ngai (xã Ea Ngai, huyện Krông Buk) cho biết: ngoài khó khăn về vốn do chưa tiếp cận được với các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin tư vấn về chính sách tín dụng và không có tài sản thế chấp thì nguồn nhân lực của các HTX cũng là vấn đề đáng lo ngại. Không như mô hình kiểu cũ, hiện nay HTX hoạt động theo Luật, do đó đòi hỏi Ban quản trị phải có trình độ, năng lực, tầm nhìn và tài quản lý. Chỉ riêng sự siêng năng, nhiệt tình, kinh nghiệm sản xuất của ban lãnh đạo cũng như toàn thể xã viên không thôi thì chưa thể đưa các HTX nông nghiệp phát triển bền vững… Muốn nâng cao vị thế của HTX thì cần củng cố, nâng cao quy mô hoạt động thông qua mô hình hợp tác tự nguyện, theo quy định của pháp luật. Mô hình này phát triển sẽ tạo điều kiện cho nông dân phát huy nguồn vốn sẵn có, các lợi thế về tư liệu sản xuất và kinh nghiệm canh tác để từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, khẳng định vị trí của KTTT trong giai đoạn hiện nay.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc