Multimedia Đọc Báo in

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 2: Cơ hội và thách thức

06:02, 17/04/2013

Vừa qua, Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần thứ 2 đã được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức. Đây được xem là cơ hội rất lớn để vùng Tây Nguyên có những bước phát triển mang tính đột phá trong thời gian đến. 

“Cú hích” cần thiết cho kinh tế Tây Nguyên

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010 và các chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước, Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng đã chuyển dịch mạnh và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được tập trung giải quyết. Vùng Tây Nguyên đã tạo được thế và lực mới để ổn định và phát triển. Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần này thể hiện cam kết chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương trong việc duy trì thúc đẩy một cách hiệu quả và liên tục hoạt động đầu tư vào vùng Tây Nguyên. Thể hiện sự hỗ trợ cao của NHNNVN và Bộ KH&ĐT về huy động phân bổ vốn, điều tiết nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân. Cam kết cải thiện chính sách và môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thông qua diễn đàn đã định hướng hoạt động đầu tư đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư về mặt xã hội, gắn kết với các hoạt động an sinh xã hội. Với sự tham gia tích cực, chủ động và đầy trách nhiệm của NHNN, của các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại trong việc khơi thông nguồn vốn cho đầu tư, đây được xem là điểm khác biệt nhất, là điểm mới nhất so với xúc tiến đầu tư lần thứ nhất. Trước ngày diễn ra Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, NHNN đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp mở rộng tín dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” để tạo điểm nhấn và thúc đẩy diễn đàn đi vào thực chất hơn.

Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên phát triển.
Hoàn thiện hạ tầng giao thông là một trong những đòi hỏi cấp bách để thúc đẩy kinh tế Tây Nguyên phát triển.

Qua diễn đàn lần này, chính quyền địa phương các tỉnh cùng cam kết đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực tổ chức, tạo hành lang pháp lý thông thoáng trong thu hút và triển khai thực hiện các dự án. Diễn đàn cũng là nơi để các nhà đầu tư nêu những khuyến nghị và thắc mắc về những khó khăn trong môi trường đầu tư. Để làm tốt vấn đề này, từ cuối tháng 3-2013, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã chủ động tổng hợp ý kiến đề xuất từ phía các doanh nghiệp, và đã có đề xuất một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư tại Khu vực Tây Nguyên. Với sự có mặt của các cơ quan trung ương và địa phương, các thắc mắc này sẽ được giải đáp, ghi nhận để có những chính sách tạo điều kiện đầu tư thuận lợi hơn nữa vào vùng Tây Nguyên.

Kết quả là diễn đàn đã chứng kiến lễ ký kết của ngành Ngân hàng cam kết đầu tư vốn tín dụng cho các dự án lên tới gần 23.900 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực như sản xuất, chế biến và kinh doanh cây cà phê, cao su, cho vay xây dựng, thủy điện. Cũng tại Hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã huy động và đóng góp được 248 tỷ đồng cho an sinh xã hội của vùng Tây Nguyên.

Cần đẩy mạnh hiện thực hóa những cam kết đầu tư

Đây không phải là lần đầu tiên, vùng Tây Nguyên tổ chức xúc tiến đầu tư. Năm 2009 (ngày 5-9-2009), đã tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư tại Dak Lak. Tính đến nay, xúc tiến đầu tư 2009 đã đạt được kết quả nhất định, tạo được sự nhận thức chung về xúc tiến đầu tư; số dự án và số vốn đầu tư tăng lên đã tạo được nguồn lực phát triển, góp phần bảo đảm sự ổn định của toàn vùng. Tuy nhiên những thành tựu, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tiềm lực kinh tế và trình độ phát triển còn ở mức thấp đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực cho phát triển. Do đó sẽ là rất cần thiết đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên nếu các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp được tăng cường. Sau hội nghị lần thứ nhất, vùng đất hứa này đã thu hút được 169 dự án từ các nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký là 900 triệu USD, chiếm 20,36% về số dự án và 3,71% về tổng vốn đăng ký so với cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập, nhất là khâu triển khai thực hiện các cam kết, thỏa thuận đầu tư và an sinh xã hội chưa đạt yêu cầu, còn quá thấp. Theo số liệu thống kê từ Bộ KH&ĐT cho thấy, tổng vốn thực hiện của các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cam kết đầu tư, thỏa thuận tài trợ và an sinh xã hội tại Diễn đàn năm 2009 đến nay chỉ là 1.117 tỷ đồng, đạt 4,3% so với tổng vốn đăng ký là 25.958 tỷ đồng.

Theo các nhà chuyên môn, để bảo đảm các dự án đầu tư vào Tây Nguyên được triển khai đồng bộ, đúng kế hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành bố trí hỗ trợ nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho khu vực Tây Nguyên, trong đó cần tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực. Trước mắt trong giai đoạn 2013-2015, ưu tiên nguồn vốn giải ngân để nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 14 - tuyến giao thông huyết mạch của Tây Nguyên hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến giao thương kinh tế trên địa bàn. Do nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù tạo điều kiện các tỉnh Tây Nguyên huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư triển khai các dự án giao thông quan trọng, cấp thiết theo các hình thức BT, BOT, PPP… để nâng cấp các tuyến quốc lộ quan trọng nối Tây Nguyên với các vùng kinh tế trọng điểm và các cảng biển, với các quốc gia trong khu vực “Tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia”. Bộ KH&ĐT cần xây dựng chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho toàn vùng mà trước hết là chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tạo lợi thế cạnh tranh cho khu vực Tây Nguyên so với các khu vực khác trong cả nước và với các nước Campuchia và Lào. Ngân hàng Nhà nước cần sớm có định hướng chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trong phục vụ phát triển kinh tế Tây Nguyên, đặc biệt cần ưu tiên mạnh mẽ cả về vốn và lãi suất để tập trung đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại và có sức cạnh tranh. Trên cơ sở cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư chung, chính quyền các địa phương khu vực Tây Nguyên cần phải xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư riêng phù hợp với từng địa phương theo hướng chuyên môn hóa, có sự phân công vùng trên cơ sơ xác định rõ ràng các nhu cầu đầu tư của từng địa phương trong mối liên kết vùng để khai thác tối đa thế mạnh của từng tỉnh, tránh trùng lắp bởi những đặc điểm của các tỉnh Tây Nguyên khá tương đồng nhau. Ngoài ra, các cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư cần phải cụ thể trong xác định lĩnh vực, thời gian, mức ưu đãi, rõ ràng…Và đặc biệt cần có sự nhất quán, cam kết thực hiện lâu dài với các nhà đầu tư. Cùng với đó là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch, cụ thể trong giải quyết các thủ tục hành chính, vướng mắc trong quá trình đầu tư - xây dựng dự án, góp phần rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư; đổi mới cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp từng lĩnh vực để bảo đảm huy động được vốn, công nghệ trong và ngoài nước cho mục tiêu phát triển…

Với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững trên cơ sở tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội phù hợp; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đạt mức trung bình so với cả nước, tạo chuyển biến căn bản về phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; từng bước đưa Tây Nguyên trở thành vùng động lực phát triển kinh tế xã hội của cả nước, hy vọng những chương trình, dự án đã được ký kết sẽ trở thành hiện thực sau diễn đàn này.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.