Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drak: Người dân lao đao vì mía

08:39, 02/04/2013

Huyện M’Drak là một trong những địa phương có diện tích trồng mía đường lớn của tỉnh; tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân trồng mía nơi đây đang lao đao vì “mía ngọt” thành… “mía đắng”.


Nông dân xã Cư P’rao thu hoạch mía.
Nông dân xã Cư P’rao thu hoạch mía.

Ông Nguyễn Minh Khang, Chủ tịch UBND xã Cư P’rao cho biết, niên vụ này toàn xã có khoảng 2.432 ha mía, nhưng các hộ dân mới chỉ thu hoạch hơn một nửa diện tích. Nguyên nhân chủ yếu là do giá mía thu mua tại các nhà máy tụt giảm, người dân không còn mặn mà khi tới mùa thu hoạch. Nếu như năm 2012 giá mía được thu mua tại các nhà máy như Ninh Hòa, Cam Ranh là 920.000 đồng/tấn thì nay chỉ còn lại 880.000 đồng/tấn, với trữ lượng đường phải đạt 10 CCS; trong khi đó giá cước phí vận chuyển năm nay lại tăng.

Tại khu vực trồng mía của hai xã Cư P’rao và Ea Pil, hàng trăm xe ô tô ùn ùn chở mía từ bãi về các nhà máy. Do đường lầy lội khó đi, có chuyến phải chở thành nhiều đợt, thành thử cây mía từ khi chặt bốc lên xe về nhà máy bị chậm 4-5 ngày. Cây mía để lâu trữ lượng đường tụt giảm đến 2-3 CCS nên nhà máy trả theo giá thành của mía bị giảm trữ lượng đường.

Anh Lê Ngọc Hứa, người dân trồng mía ở xã Ea Pil cũng đang lo lắng cho vụ mía năm nay: “Gia đình tôi có hơn 10 ha mía. Tuy giá mía năm ngoái cũng có phần tụt giảm nhưng còn đỡ hơn năm nay. Trong khi đó, bình quân mỗi ha mía phải đầu tư hơn 30 triệu đồng. Chưa kể đến mùa thu hoạch giá thuê nhân công cũng rất đắt đỏ. Trong năm 2012, giá thuê nhân công chặt mía đầu vụ là 220.000 đồng/tấn; đến năm nay là 250.000 đồng/tấn; nếu thuê cuối vụ giá sẽ còn cao hơn, bởi lượng người lao động không còn tập trung như đầu vụ nên có khi lên đến 320.000-350.000 đồng/tấn. Như vậy là tay trắng! Mía là nguồn thu nhập chính của chúng tôi nhưng với tình hình như hiện nay coi như chết đứng, nhà nào cũng nợ ngân hàng…”

Được biết, do thu hoạch chậm, một số giống mía chín sớm (già) đã xuất hiện tình trạng bị chết nhen nhóm;  nguy cơ thất bát đã thấy nhãn tiền. Người dân đang phải đối mặt một mùa… “mía đắng”.

 Nguyễn Thanh Sơn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.