Multimedia Đọc Báo in

Khai thuế qua mạng ở Dak Lak - vì sao doanh nghiệp vẫn chưa “mặn mà”?

08:42, 02/04/2013

Khai thuế qua mạng (KTQM) thực chất là hình thức nộp hồ sơ khai thuế thông qua mạng Internet (hình thức giao dịch điện tử giữa người nộp thuế và cơ quan thuế) đang được ngành Thuế tuyên truyền là văn minh và  hiện đại.

Một lớp tập huấn kê khai thuế qua mạng do Cục Thuế tổ chức.     Ảnh: T.L
Một lớp tập huấn kê khai thuế qua mạng do Cục Thuế tổ chức. Ảnh: T.L

Những lợi ích từ việc KTQM là không thể phủ nhận, là một xu hướng tất yếu khách quan trong điều kiện phát triển một nền Chính phủ điện tử như hiện nay. Có thể kể ra các ưu điểm nổi bật của hình thức KTQM như: Về gửi tờ khai thuế: doanh nghiệp (DN) không bị giới hạn số lần gửi như nộp thủ công bằng giấy trực tiếp cho cơ quan thuế như trước đây. Nghĩa là khi DN kê khai sai và vẫn còn trong hạn nộp tờ khai, DN có thể gửi tờ khai thay thế với số lần gửi thay thế không hạn chế. DN có thể gửi tờ khai vào trước 24 giờ ngày cuối cùng nộp tờ khai vẫn không bị tính nộp chậm. Về không gian nộp hồ sơ: Không bị giới hạn, nghĩa là DN có thể gửi tờ khai vào tất cả các ngày, kể cả ngày lễ, tết, thứ bảy, chủ nhật và có thể gửi vào bất kỳ thời gian nào trong ngày từ 0 giờ đến 24 giờ, có thể nộp khi kế toán hoặc giám đốc ở bất cứ đâu, không nhất thiết phải ở trụ sở công ty hay nơi gần với cơ quan thuế. Về chi phí khai nộp: Rất tiết kiệm, nghĩa là tiết kiệm chi phí in ấn tờ khai và các mẫu biểu kèm theo; tiết kiệm chi phí đi lại; tiết kiệm thời gian: thời gian tắc đường, thời gian xếp hàng bốc số đợi đến lượt tại bộ phận một cửa… Về sự chủ động của người ký hồ sơ: Luôn tạo sự chủ động cho người ký hồ sơ khai thuế, nghĩa là giám đốc vẫn có thể tự ký chữ ký số và khai thuế thông qua mạng Internet hoặc có thể ủy quyền quản lý chữ ký số cho người được tin cậy để ký và nộp tờ khai khi đi vắng, có thể ký vào bất cứ thời gian nào trong ngày, trong tuần mà không bị giới hạn bởi giờ hành chính, ban ngày hay ban đêm, ngày làm việc hay ngày nghỉ, ngày lễ. Về thông tin và số liệu kê khai thuế: Có thể bảo đảm được gửi đến cơ quan thuế một cách nhanh chóng, chính xác, không sai sót, nhầm lẫn do phần mềm HTKK hỗ trợ tính toán, kiểm tra lỗi không cố ý khi khai thuế.

Tuy nhiên, trên thực tế phát triển hệ thống KTQM lại không đạt được mục tiêu như mong muốn của ngành Thuế. Tỷ lệ DN tham gia rất thấp so với số DN hiện đang hoạt động của tỉnh. Tính đến thời điểm quý I-2013, Dak Lak chỉ có trên 400 DN đăng ký KTQM, tương đương khoảng 6,6% tổng số DN trên toàn tỉnh, con số này nhỏ hơn nhiều so với tỷ lệ doanh nghiệp KTQM của cả nước. Vậy, vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà với hình thức khai thuế được cho là văn minh, hiện đại này? Từ thực tế triển khai và từ các phản hồi của DN trên địa bàn tỉnh, có thể kể ra những bất cập, vướng mắc khi KTQM gặp phải như sau:

Thứ nhất, đó là tình trạng “nghẽn mạng” rất thường xuyên xảy ra, đỉnh điểm là vào những ngày hạn chót nộp hồ sơ khai thuế. Do đó những thuận lợi về mặt không gian, thời gian khi KTQM như cơ quan thuế tuyên truyền đã bị triệt tiêu. Kết quả là DN không nộp được hồ sơ khai thuế đúng hạn, gây tâm lý bất an cho DN do không nộp kịp thời sẽ bị xử phạt chậm nộp nên cuối cùng DN vẫn phải in ra giấy và nộp trực tiếp cho cơ quan thuế.

Thứ hai, phần mềm KTQM liên tục nâng cấp khiến cho DN theo đuổi chóng mặt và luôn gặp nhiều khó khăn, rắc rối khi phải cài đặt nâng cấp theo phiên bản mới. DN phải nộp hồ sơ khai thuế thông qua một phần mềm truyền nhập dữ liệu do ngành Thuế cung cấp, lỗi phần mềm cộng với việc thay đổi liên tục các mẫu biểu tờ khai, phụ lục đính kèm khiến cho phần mềm KTQM trở nên rất khó sử dụng.

Thứ ba, có quá nhiều thao tác kỹ thuật cần phải thực hiện và có nhiều lỗi phải xử lý để có thể nộp được một bộ hồ sơ khai thuế qua mạng thành công. Do đó, thực tế DN thường xuyên phải gọi điện nhờ cơ quan thuế hỗ trợ, tuy nhiên, khi gọi tới cơ quan thuế không phải lúc nào cũng nhận được sự nhiệt tình giải đáp của các nhân viên hỗ trợ.

Thứ tư, thực tế DN vẫn bị cơ quan thuế yêu cầu phải in hồ sơ ra giấy để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xác minh của ngành Thuế... Đây là việc đi ngược lại với ưu điểm của hình thức KTQM như đã giới thiệu. Hiện tại, các Đoàn thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế khi đến DN vẫn yêu cầu DN phải cung cấp hồ sơ bằng giấy mà không chấp nhận DN cung cấp file hồ sơ điện tử đã được cơ quan thuế chấp nhận là hợp pháp trước đó.

Thứ năm, chi phí thuê đường truyền dữ liệu và chi phí mua chứng thư số (chữ ký số) thực sự là vẫn là vấn đề băn khoăn đối với nhiều DN nhỏ và vừa trong điều kiện tài chính khó khăn như hiện nay. Để KTQM theo yêu cầu, DN phải chi ra vài triệu đồng một năm để trả cho các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ đường truyền Internet và dịch vụ chữ ký số, trong khi phương thức nộp bằng tay truyền thống thì DN không phải bỏ thêm khoản chi phí này.

Như đã phân tích ở trên, khuyến khích DN khai thuế qua mạng là hướng đi mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giảm áp lực và  chi phí cho cả cơ quan thuế và DN. Tuy nhiên, để phát huy được các ưu điểm, hạn chế  những bất cập, tồn tại của hình thức KTQM trong thời gian qua, để việc khai nộp thuế thực sự trở nên thuận lợi đối với DN nhất là trong điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn như hiện nay, thiết nghĩ ngành Thuế nói chung và ngành Thuế Dak Lak nói riêng cần nhanh chóng cải thiện đáng kể hình thức KTQM tạo thuận lợi cho DN, khắc phục những bất cập, tồn tại như đã phân tích ở trên; đồng thời bố trí nhân sự có chuyên môn, nghiệp vụ và sự nhiệt tình để hỗ trợ DN một cách tích cực và hiệu quả nhất. Từ đó tạo hiệu ứng thu hút được nhiều DN, hộ kinh doanh tham gia, cũng là góp phần quan trọng vào sự thành công của chiến lược phát triển công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính của tỉnh, từng bước cải thiện và nâng cao đáng kể hình ảnh và uy tín của các cơ quan hành chính công quyền trong mắt nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đăng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.