Multimedia Đọc Báo in

Nơi kết nối nông dân phát triển kinh tế tập thể

16:55, 02/04/2013

Cùng đóng góp xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm… là những hoạt động chính của Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Tổ hợp tác đã trở thành “nhịp cầu” kết nối nông dân phát triển kinh tế tập thể.


Trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Kiếm (bên trái) được nhiều nông dân tham quan, học tập, nhân rộng
Trang trại tổng hợp của gia đình anh Trần Văn Kiếm được nhiều nông dân tham quan, học tập, nhân rộng.

 

Hợp tác cùng phát triển

Có 1,5 ha cà phê, chăn nuôi thêm bò và ao cá nhưng vì quy mô nhỏ lẻ nên lợi nhuận thu được chỉ đủ cho gia đình anh Trần Văn Kiếm (thôn 2, xã Hòa Phú) trang trải sinh hoạt thường ngày. Năm 2006, anh tham gia Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk xã Hòa Phú, sau khi được tham quan, học tập những mô hình phát triển kinh tế trang trại, anh quyết định thay đổi cung cách làm ăn. Với lợi thế diện tích mặt nước sẵn có, gia đình anh được UBND TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ 5 triệu đồng phát triển mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng đuôi đỏ. Đến nay, gia đình anh đã nuôi thành công khoảng 1.000 con cá lăng đuôi đỏ/năm, với giá bán bình quân từ 280.000 – 300.000 đồng/kg. Đồng thời, anh mở rộng quy mô chăn nuôi bò lên 15 con, 1 ha ao cá chép, trắm, mè và tập trung đầu tư chăm sóc cà phê. Nhờ vậy, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 120 triệu đồng. Điều đáng nói, trang trại tổng hợp của gia đình anh Kiếm đã trở thành nơi nông dân thường xuyên đến tham quan, học tập, nhân rộng và đã có 28 hộ trong xã phát triển nghề nuôi cá lăng đuôi đỏ, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Kiếm cho biết: “Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk hoạt động rất hiệu quả, giúp nông dân tiếp cận với các nguồn vốn; gặp gỡ, trao đổi khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nhau phát triển chăn nuôi”.

Gia đình chị Trần Thị Nga ở thôn 10 làm nghề nuôi heo đã hơn chục năm nhưng số lượng nuôi ít, chủ yếu theo kiểu truyền thống. Với mong muốn phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chị Nga tự nguyện tham gia Tổ hợp tác. Được tham dự các lớp tập huấn, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, chị Nga quyết định mở rộng quy mô trang trại, nhưng lại vấp phải khó khăn lớn nhất là vốn đầu tư. Thông qua Tổ hợp tác, năm 2012 chị cùng 19 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn xã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Với dự án phát triển chăn nuôi heo hộ gia đình, 20 thành viên được duyệt vay số tiền 500 triệu đồng (mỗi hộ 25 triệu đồng). Từ nguồn vốn đó, chị Nga đầu tư xây dựng thêm chuồng trại có máng ăn, uống tự động, chăn nuôi 50 con heo thịt và heo nái theo quy trình khép kín; đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ trong chăn nuôi để giảm chi phí đầu tư. Chị Nga cho biết: “Gia đình tôi xây dựng được trang trại chăn nuôi khép kín với hệ thống xử lý chất thải đúng quy định như thế này phần lớn cũng nhờ sự trợ lực của Tổ hợp tác. Khi có nguồn thu nhập ổn định, gia đình tôi tích cực đóng góp vốn xây dựng quỹ nhằm hỗ trợ các thành viên trong tổ phát triển chăn nuôi”.


Thành viên  Tổ hợp tác  phát triển  chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk  (xã Hòa Phú) tham quan trang trại  chăn nuôi  của gia đình chị Trần  Thị Nga.
Thành viên Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk (xã Hòa Phú) tham quan trang trại chăn nuôi của gia đình chị Trần Thị Nga.

 

Để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, ngoài việc canh tác cà phê, gia đình anh Lưu Vĩnh Phú (thôn 2) còn chăn nuôi bò. Nhưng do không có vốn, anh chỉ có thể nuôi thêm từ 1-2 con/năm. Sau khi tham gia Tổ hợp tác, năm 2010 gia đình anh được vay 25 triệu đồng từ nguồn quỹ của tổ, nhờ vậy đã phát triển đàn bò lên 18 con…

Cần thêm sự trợ lực

Vừa là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã lại là người gắn bó với nghề nuôi heo, gà theo quy mô trang trại khá lâu nên ông Nguyễn Văn Chi (thôn 5) thấu hiểu những khó khăn, trở ngại của nông dân trong phát triển sản xuất kinh doanh. Xuất phát từ ý tưởng liên kết, tập hợp những nông dân có chung chí hướng nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển chăn nuôi, năm 2005  ông Chi đứng ra thành lập Câu lạc bộ phát triển chăn nuôi tổng hợp thôn 5 với 16 thành viên. Đến năm 2011, Câu lạc bộ đổi tên thành Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk xã Hòa Phú với 28 thành viên, trong đó có 20 hộ chăn nuôi heo, số còn lại tập trung nuôi cá lăng đuôi đỏ, bò, dê, gà. Ngoài việc làm “cầu nối” giúp các thành viên tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, Quỹ hỗ trợ nông dân, chương trình khuyến nông; tín chấp mua thức ăn chăn nuôi trả chậm… Tổ hợp tác còn huy động các hộ đóng góp xây dựng quỹ giúp nhau phát triển kinh tế. Đến nay, Tổ đã có tổng số quỹ trên 100 triệu đồng giúp các hộ khó khăn vay từ 20-40 triệu đồng/hộ để mở rộng quy mô chuồng trại, số lượng nuôi. Để giúp hội viên sử dụng vốn vay hiệu quả, Ban Chủ nhiệm Tổ hợp tác còn phối hợp với ngành chức năng, Hội Nông dân tổ chức tập huấn, hội thảo đầu chuồng, tạo điều kiện để các thành viên tham quan, học tập những mô hình kinh tế hiệu quả. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, Ban Chủ nhiệm cập nhật thông tin thị trường, những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, văn bản, chính sách mới, kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy; khuyến khích các thành viên trao đổi kinh nghiệm phát triển chăn nuôi, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng dịch, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Nhờ vậy, quy mô chăn nuôi của các thành viên trong tổ ngày càng phát triển, hạn chế thấp nhất rủi ro, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Với mong muốn kết nối nông dân phát triển kinh tế tập thể, mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, Tổ hợp tác phát triển chăn nuôi và thủy sản Sêrêpôk xã Hòa Phú sẵn sàng kết nạp thêm những thành viên mới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Chi, Tổ trưởng thì để Tổ hợp tác phát triển ngày càng vững mạnh rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, Hội Nông dân tỉnh nhằm giúp thành viên của tổ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tìm kiếm đầu ra ổn định, trợ giá cho sản phẩm khi gặp dịch bệnh, thị trường biến động.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.