Multimedia Đọc Báo in

Nhật ký sản xuất: Việc làm nhỏ, lợi ích lớn

16:49, 27/05/2013

Mặc dù là tỉnh nông nghiệp nhưng việc ghi chép lại quá trình sản xuất của các sản phẩm nông nghiệp (nhật ký sản xuất) là việc làm còn rất mới mẻ với khá nhiều nông dân, trong khi đó đây là một trong những yêu cầu bắt buột để truy xuất nguồn gốc đối với các loại nông sản xuất khẩu; làm gia tăng giá trị sản phẩm…

Thay đổi thói quen

Cán bộ kỹ thuật kiểm tra vườn ca cao và nhật ký sản xuất  tại hộ anh Lưu Xuân Đương, buôn Sê Đăng, xã Ea Sô (Ea Kar).
Cán bộ kỹ thuật kiểm tra vườn ca cao và nhật ký sản xuất tại hộ anh Lưu Xuân Đương, buôn Sê Đăng, xã Ea Sô (Ea Kar).

Trên thực tế, khi đánh giá về một hoạt động sản xuất nông nghiệp, người ta thường chỉ tập trung đánh giá trình độ canh tác, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mà hầu như không chú ý đến hoạt động ghi chép nhật ký sản xuất. Điều này cũng cho thấy tại sao từ trước đến giờ, việc ghi chép nhật ký đồng ruộng chưa được quan tâm thực hiện. Để khắc phục hạn chế trên, trong các mô hình sản xuất rau an toàn, các sản phẩm nông nghiệp theo VietGap, nông dân bắt đầu được làm quen với việc ghi chép nhật ký sản xuất, từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất của nhiều nông dân và góp phần tăng giá trị cho sản phẩm. Ông Phan Đình Xuân, Chủ nhiệm HTX Hợp Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cho biết, khi thực hiện mô hình sản xuất rau an toàn, điều đầu tiên ông quan tâm nhất là các hộ tham gia phải ghi chép nhật ký sản xuất, bởi đây là yêu cầu cơ bản để các cơ quan chức năng có thể tiến hành xác nhận và tái xác nhận sản phẩm bảo đảm an toàn. Việc ghi nhật ký sản xuất của những người tham gia mô hình là để sản phẩm đạt bốn yêu cầu cơ bản: an toàn cho người sử dụng; an toàn cho người sản xuất, thân thiện với môi trường và truy xuất được nguồn gốc. Tuy nhiên, để thay đổi một thói quen cố hữu của nông dân không phải là chuyện đơn giản, có hộ thực hiện ghi chép nhưng không chính xác, có hộ thì để dồn lại cả tuần mới viết, có hộ thì đối phó, khi nào có kiểm tra mới viết… Phải mất một thời gian dài phân tích lợi ích của việc ghi chép cùng với nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên các hộ mới thực hiện nề nếp. Anh Nguyễn Trọng Độ, xã viên của HTX cho hay, trước giờ bà con nông dân có khi nào ghi lại hoạt động sản xuất trên ruộng vườn của mình đâu, nhưng bây giờ thực hiện quen rồi thì thấy lợi ích thật. Các thông tin đều được ghi chép lại nên bà con có thể tự tính toán được hiệu quả kinh tế, tích lũy kinh nghiệm cho vụ sau. Theo các chuyên gia kỹ thuật, có nhật ký sản xuất, người nông dân sẽ được lợi trong tiêu thụ sản phẩm, đồng thời, các nhà quản lý dựa vào đó để đánh giá hiệu quả thực tế trên đồng ruộng và tiến hành điều chỉnh, cải tiến các giải pháp kỹ thuật sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán sản xuất của từng vùng.

Hướng đến sản xuất chuyên nghiệp

Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc các loại nông sản nhập khẩu nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng. Do đó, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh muốn xuất khẩu được trước hết phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Muốn vậy, người nông dân phải thực hiện tốt việc ghi chép nhật ký sản xuất, đây chính là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm yêu cầu của các nhà nhập khẩu. Theo anh Nguyễn Bá Dũng, cán bộ kỹ thuật của Công ty Cargill Việt Nam, chi nhánh Dak Lak, ghi nhật ký sản xuất là điều rất cần thiết đối với tất cả nông dân, đó cũng là yêu cầu bắt buột đối với nông dân khi tham gia mô hình sản xuất ca cao theo tiêu chuẩn UTZ. Những gì liên quan đến sản phẩm như: cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến… phải được ghi chép đầy đủ để khi gặp sự cố có thể dễ dàng truy nguyên nguồn gốc. Đây chính là bước khởi điểm để hướng nông dân đến một nền sản xuất chuyên nghiệp, khi xuất khẩu, sản phẩm chứng minh được nguồn gốc và sẽ được mua với giá cao hơn. Ngoài cây ca cao, nông nghiệp của Dak Lak cũng đã bắt đầu chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm như: cà phê, rau, lúa…, theo đó việc tập huấn, hướng dẫn cho nông dân viết nhật ký sản xuất được thực hiện thường xuyên hơn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhiều người dân, thậm chí là cán bộ quan tâm đúng mức đến vấn đề này. Trên thực tế, chỉ những nông dân tham gia mô hình mới thực hiện ghi nhật ký nông hộ, còn nông dân ngoài mô hình vẫn chưa thực hiện. Bởi theo họ, những nông dân làm mô hình mới cần có nhật ký sản xuất vì đó là yêu cầu bắt buột để nhà quản lý giám sát việc thực hiện quy trình kỹ thuật theo những tiêu chuẩn đã đặt ra. Cách hiểu này là phiến diện, vì ngoài phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thì mục đích của nhật ký sản xuất là để giúp nông dân có thể tự tính toán hiệu quả đầu tư trên mảnh đất của mình từ vốn, vật tư đến công lao động.., đồng thời nông dân có thể tự đánh giá hiệu quả qua từng giải pháp kỹ thuật đã áp dụng để tạo nên năng suất cao, giá thành thấp... 

Thiết nghĩ, ghi nhật ký sản xuất là việc làm khá đơn giản, nông dân nào cũng có thể làm được. Trong khi nhiều nông sản xuất khẩu đang phải đối mặt với quá nhiều hàng rào kỹ thuật thì ngành nông nghiệp càng phải sớm giúp nông dân thực hiện tốt việc ghi nhật ký sản xuất để đặt nền tảng cho hoạt động truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ của nông sản trên địa bàn tỉnh.

Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc