Multimedia Đọc Báo in

Một mô hình trồng nấm có hiệu quả kinh tế cao

09:51, 27/05/2013

Đều tốt nghiệp Trường Đại học công nghệ sinh học Bình Dương, có kiến thức học được trong suốt 4 năm ngồi trên giảng đường, lại có thêm 1 năm kinh nghiệm trồng nấm cho người chú ruột tại Lâm Đồng, cuối năm 2012, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Hùng và chị Đỗ Việt Thông (thôn 1, xã Ea Pil, huyện M’Drak) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình trồng nấm tại nhà.

Chị Đỗ Việt Thông đang chăm sóc trại trồng nấm của gia đình.
Chị Đỗ Việt Thông đang chăm sóc trại trồng nấm của gia đình.

Với khó khăn ban đầu về vốn sản xuất, anh chị mạnh dạn nhờ bố mẹ đứng ra vay thế chấp giúp 150 triệu đồng để đầu tư mua nguyên vật liệu, máy sấy, xây dựng hệ thống nhà trồng nấm với diện tích khoảng 200m2 để trồng 3 loại nấm chủ yếu là nấm tai mèo, nấm bào ngư và nấm rơm. Để xây dựng thành công mô hình, hai anh chị đã bỏ rất nhiều công sức tìm hiểu các giống nấm có khả năng thích nghi với điều kiện, khí hậu tại địa phương; dành nhiều thời gian tìm đến các thị trường cung cấp giống nấm trong và ngoài tỉnh để chọn mua những loại giống tốt, có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Anh chị cũng thường xuyên tham quan các mô hình trồng nấm có hiệu quả trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu cách xử lý, diệt khuẩn cho mùn cưa trước khi cấy giống, cách thức chăm sóc để nấm sinh trưởng phát triển tốt; tham gia tập huấn các lớp khuyến nông do huyện, tỉnh tổ chức để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế… Đến nay, qua gần 1 năm triển khai, bước đầu mô hình của gia đình anh chị đã gặt hái được một số thành công nhất định. Vào đầu tháng 5 vừa qua, anh chị đã xuất hơn 10.000 gói nấm thành phẩm đầu tiên ra thị trường với giá bán trung bình 3.000 đồng/1 gói nấm tươi và hiện nay có rất nhiều cửa hàng trong, ngoài tỉnh đặt hàng tại cơ sở sản xuất nấm của gia đình anh chị.

Trao đổi về kinh nghiệm trồng nấm, chị Thông cho biết: Để bảo đảm cho nấm phát triển tốt khâu đầu tiên là phải chọn được loại mùn cưa (môi trường sống của nấm) giàu chất dinh dưỡng, độ xốp cao, tốt nhất là sử dụng mùn cưa của cây cao su. Sau đó phải xử lý tốt khâu vệ sinh, sát trùng bằng cách sàng lọc các tạp chất trong mùn cưa, rào bịch và cho vào lò sấy sát trùng, tạo độ ẩm cần thiết trước khi cấy giống nấm. Việc giữ nhiệt độ trong nhà nuôi nấm cũng rất quan trọng, nhiệt độ tốt nhất là từ 15 - 330C; tưới nước 4 lần/ngày với lượng nước tưới vừa phải, không tưới quá nhiều, tốt nhất tưới bằng hệ thống bét tưới tự động và có khoảng cách an toàn, không nên tưới trực tiếp vào cây nấm…

Mô hình trồng nấm của gia đình anh Hùng, chị Thông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động nông thôn tại địa phương với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong thời gian tới gia đình anh chị sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1.000m2 diện tích trồng nấm để tăng thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm cho lao động tại địa phương.

Sự – Diệp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.