Multimedia Đọc Báo in

Cần sửa đổi quy định về hóa đơn tự in

07:11, 30/06/2013

Nhìn lại các vụ chiếm đoạt tiền thuế VAT trong lĩnh vực kinh doanh cà phê gần đây cho thấy một số chính sách trong lĩnh vực in và sử dụng hóa đơn tự in đã bị kẻ xấu lợi dụng một cách triệt để.

Cần có biện pháp quản lý hữu hiệu về in và sử dụng hóa đơn tự in của các DN kinh doanh cà phê mới thành lập (ảnh minh họa).
Cần có biện pháp quản lý hữu hiệu về in và sử dụng hóa đơn tự in của các DN kinh doanh cà phê mới thành lập (ảnh minh họa).

Theo quy định hiện hành, việc in và sử dụng hóa đơn khá thông thoáng, trước khi phát hành, doanh nghiệp (DN) chỉ cần thông báo với cơ quan thuế nơi DN đóng trụ sở chính. Lợi dụng điều này, các DN có động cơ làm ăn bất chính đã cố tình chiếm đoạt tiền thuế đã tự in rất nhiều hóa đơn, sau đó xuất hàng loạt hóa đơn cho các DN trong đường dây để các DN này hợp thức hóa đầu vào, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Trường hợp của Công ty TNHH thương mại B. (TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ. Công ty này sử dụng hóa đơn mua cà phê để kê khai thuế VAT đầu vào của khá nhiều DN ở các tỉnh Dak Nông, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, trong khi các DN trên đã bỏ kinh doanh sau khi xuất hóa đơn cho Công ty B. Mặc dù biết rất rõ thủ đoạn của Công ty B. nhưng cơ quan thuế gặp khá nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, nhất là việc tạm dừng khấu trừ, hoàn thuế cho các DN sử dụng hóa đơn do Công ty B. phát hành để chờ xác minh, điều tra. Bởi vì, theo Công văn 7333, ngày 24-6-2008 của Bộ Tài chính về việc xử lý cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp: “Trường hợp cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế VAT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế, và cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng khác chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra xác định đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước pháp luật việc mua bán là có thật, có hợp đồng mua bán, văn bản chứng từ thanh lý hợp đồng (nếu có), phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ thanh toán tiền; hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế, có hạch toán kế toán đầy đủ, đúng quy định thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế VAT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”. Lợi dụng điều này, trong thời gian qua, các DN đã từng mua hàng hóa của Công ty B. liên tục gây sức ép, yêu cầu cơ quan thuế phải tiến hành khấu trừ, hoàn thuế VAT cho họ. Theo các DN này, việc họ giao dịch mua bán với Công ty B. là có thật, còn việc Công ty B. mua hàng của ai, có vi phạm pháp luật hay không là vấn đề của cơ quan chức năng, DN không cần phải biết!

Như vậy, việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN là việc cần phải làm, nhưng trong điều kiện ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận DN còn thấp như đã từng xảy ra thì cũng phải cần tính toán, có biện pháp phòng ngừa việc lợi dụng quy định này. Nhiều DN đề nghị cần có quy định riêng đối với các DN mới thành lập, hoạt động trong lĩnh vực nông sản nói chung, cà phê nói riêng theo hướng chỉ cho phép in và phát hành một lượng hóa đơn vừa phải, trong một khoảng thời gian nhất định. Sau thời gian được xem như là “thử thách” này, nếu xét thấy DN làm ăn chân chính, chấp hành tốt các quy định có liên quan thì mới cho phép toàn quyền in và sử dụng hóa đơn tự in như các DN khác.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc