Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Niềm vui từ những cánh đồng mẫu lớn

07:09, 30/06/2013

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những yêu cầu cần thiết của xây dựng nông thôn mới. Vụ mùa này, huyện Cư M’gar đã vận động người dân tham gia hai cánh đồng mẫu lớn với 10 ha lúa nước tại xã Cư M’gar và 30 ha ngô tại xã Quảng Hiệp.

S ự khác biệt so với lối sản xuất trước đây là ở cánh đồng mẫu lớn tất cả đều gieo trồng cùng một thời vụ, cùng một loại giống, được một doanh nghiệp đứng ra cung ứng giống, vật tư nông nghiệp đến tận tay người nông dân, hướng dẫn quy trình trồng trọt và cam kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Với lối sản xuất này, người nông dân có đất, có công, còn doanh nghiệp có vốn và sự chủ động hàng hóa ổn định ở vùng nguyên liệu.

Anh Nông Công Oánh, Tổ trưởng tổ hợp tác ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp là một trong 50 hộ gieo ngô tại cánh đồng mẫu lớn cho biết: Với vai trò Tổ trưởng, công việc của anh là phải nhận vật tư, thông báo lịch xuống giống, lịch bón phân phun thuốc, lịch thu hoạch… đến từng hộ. Trong việc trồng ngô, đất của gia đình nào thì gia đình đấy làm, nhưng tất cả đều thực hiện theo quy trình chung. Vì thế mà cánh đồng ngô phát triển với mật độ như nhau, báo hiệu một vụ mùa bội thu.

 Cánh đồng mẫu lớn  tại  xã Quảng Hiệp.
Cánh đồng mẫu lớn tại xã Quảng Hiệp.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hiệp cho biết: Năm ngoái trên cánh đồng hơn 30 ha này có nhiều loại cây trồng khác nhau được gieo tỉa. Tuy cũng là trồng ngô nhưng mỗi nhà mỗi giống; nhà có vốn, có công thì đầu tư nhiều; nhà khó khăn thì đầu tư ít, do vậy cây trồng không chỉ bị lai tạp giống, giảm năng suất mà chất lượng sản phẩm cũng kém qua mỗi năm. Nên khi vận động thực hiện cánh đồng mẫu lớn, người dân được hướng dẫn quy trình sản xuất, được cung ứng vật tư nông nhiệp và được cam kết bao tiêu sản phẩm nên ai cũng háo hức thực hiện mong có sự thay đổi trên chính thửa ruộng của mình.

Tại cánh đồng mẫu lớn của xã Cư M’gar có 24 hộ tham gia trồng trên diện tích 10 ha lúa nước. Người dân cũng được một doanh nghiệp cung ứng giống vật tư nông nghiệp, hướng dẫn quản lý dịch hại trên cây trồng và thực hiện theo hình thức sản xuất chung: không cấy lúa mà gieo sạ, không gặt đập bằng tay mà bằng máy liên hợp, không phơi lúa mà sấy… Bà Uông Thị Bé, người dân tham gia trên cánh đồng mẫu này chia sẻ niềm vui: “Được thực hiện theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thì người dân chúng tôi mừng lắm. Trước đây, chúng tôi cứ theo kinh nghiệm truyền thống mà gieo trồng, tự ý để giống, tự ý gieo cấy và bón phân, xịt thuốc… Nay ngày công lao động đã giảm đi, người nông dân cũng bớt vất vả hơn…”.

Khẳng định những hiệu quả của mô hình mang lại, ông Phan Quang Mười, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar nói: “Từ trước tới nay trong sản xuất nông nghiệp không chỉ ở huyện Cư M’gar mà còn nhiều vùng khác trong tỉnh thường “mạnh ai nấy làm”. Nay xây dựng cánh đồng mẫu lớn, có doanh nghiệp chịu trách nhiệm đầu vào - đầu ra, người nông dân thì có công, có đất, lại có sự chỉ đạo trực tiếp của cán bộ khuyến nông, nên chắc chắn việc sản xuất nông nghiệp sẽ có hướng đi mới triển vọng hơn. Và để cánh đồng mẫu lớn đạt hiệu quả hơn nữa thì phải xây dựng được một tổ hợp sản xuất hoạt động theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; vì với cánh đồng mẫu lớn người nông dân được bình đẳng về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho quy trình sản xuất, được biết rõ lợi nhuận từ mảnh ruộng nhà mình sau mỗi vụ gieo trồng…”.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc