Xây dựng nông thôn mới ở huyện M’Drak: Tiêu chí chợ nông thôn đang gặp khó
Sau hơn 2 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, trên địa bàn huyện M’Drak mới chỉ có 1/12 xã đạt tiêu chí về chợ nông thôn theo quy định do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.
Cơ sở vật chất chợ xã Ea H'Mlây (huyện M'Drak) còn rất tạm bợ, sơ sài. |
Theo tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới, ngoài việc bảo đảm các quy định về diện tích xây nhà chợ chính, khu vực mua bán ngoài trời, đường giao thông nội bộ, diện tích sân, cây xanh..., chợ còn phải gần khu dân cư, trung tâm xã chính, phù hợp cho việc lưu thông hàng hóa và có các công trình như: khu vệ sinh, bãi để xe, nơi thu gom và xử lý chất thải, điện chiếu sáng, trang bị đủ những thiết bị phòng cháy, chữa cháy... Đối chiếu với những điều kiện trên thì hiện trên địa bàn huyện M’Drak mới chỉ có xã Cư Prao cơ bản hoàn thành. Ở các xã còn lại, hầu hết chợ nông thôn đã xuống cấp, chưa được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vấn đề an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí chỉ là những khu chợ tạm.
Khảo sát tại chợ xã Ea H’Mlây cho thấy, trên khu đất quy hoạch chợ rộng hơn 1,1 ha mới chỉ có khoảng 15 gian hàng hoạt động. Nói là gian hàng nhưng thực chất chỉ là các lều quán được dựng tạm bằng cây gỗ, mái lợp tôn xập xệ. Mỗi tuần, chợ chỉ họp 3 lần vào thứ hai, tư, sáu, mỗi lần khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Hỏi về việc xây dựng chợ đạt tiêu chuẩn theo quy định, Chủ tịch UBND xã Hồ Tiến Quảng cho biết: “Mặc dù địa phương đã bố trí xong vị trí, quỹ đất xây dựng chợ, nhưng đến thời điểm này, đơn vị tư vấn vẫn chưa hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng chợ nên không có cơ sở để triển khai thực hiện. Theo dự kiến, đến năm 2015, xã sẽ đạt tiêu chí số 7 về chợ nông thôn nhưng với tình trạng này thì rất khó hoàn thành”. Còn tại xã Ea Riêng - xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện, chính quyền địa phương cũng đang “đau đầu” với tiêu chí chợ nông thôn. Với vai trò là chợ trung tâm của 4 xã Ea Riêng, Ea H’Mlây, Ea M’đoan và Cư Króa, đã được quy hoạch rộng hơn 1,4 ha, san ủi xong mặt bằng, nhưng hiện tại, chợ chỉ họp 3 lần mỗi tuần vào thứ ba, năm, bảy, mỗi ngày họp 2 tiếng với khoảng 120 người thường xuyên buôn bán, trao đổi những sản phẩm tự cung, tự cấp là chính. Các gian hàng cũng chỉ là những túp lều dựng tạm. Theo Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Nhu chợ xã Ea Riêng được quy hoạch là tổ hợp hoàn chỉnh với đầy đủ các hạng mục công trình đáp ứng được yêu cầu sử dụng hiện tại và định hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch này vẫn chưa được phê duyệt vì UBND huyện cho rằng dự kiến khái toán vốn đầu tư xây dựng công trình khoảng 28 tỷ đồng là khá cao. Do đó, việc triển khai xây dựng chợ trong năm 2013 theo kế hoạch chưa thể thực hiện được. Hiện Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã đang yêu cầu đơn vị tư vấn khái toán lại nguồn vốn. Sau khi quy hoạch chợ được phê duyệt, địa phương sẽ có các biện pháp huy động xã hội hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng.
Xây dựng chợ nông thôn đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới đang là bài toán khó đối với các địa phương của huyện M’Drak. Bởi ở các xã, kinh phí đầu tư, xây dựng, cải tạo, mở rộng chợ hầu như không có, trong khi việc kêu gọi doanh nghiệp hay xã hội hóa phát triển chợ đối với nhiều xã không dễ dàng. Công tác quản lý, phát triển chợ gặp nhiều khó khăn do phong tục, tập quán buôn bán, tiêu dùng cũng như nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế.
Để đưa chương trình xây dựng nông thôn mới về đích đúng hẹn cũng đồng nghĩa với việc hoàn thành 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia. Vì vậy, các xã trên địa bàn huyện M’Drak nên xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhu cầu giao thương buôn bán của người dân để quyết định việc đầu tư xây dựng chợ. Đồng thời chủ động bố trí một phần ngân sách địa phương và huy động nguồn kinh phí của các tổ chức, cá nhân để phát triển chợ, cũng như linh động tìm ra giải pháp quản lý, hoạt động chợ phù hợp với đặc điểm dân cư từng khu vực để chợ nông thôn ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất tiêu dùng và nâng cao mức sống của người dân.
Trước thực tế nhiều xã gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện tiêu chí về chợ nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới, cuối tháng 3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 342/QĐ-TTg về việc sửa đổi một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó nội dung “chợ đạt chuẩn của Bộ Xây dựng” được sửa đổi áp dụng thành “chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định” và không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ. Việc sửa đổi này đã “gỡ khó” cho các xã trên địa bàn huyện trong việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của chương trình xây dựng nông thôn mới. Bởi thực tế cho thấy, không nhất thiết mỗi xã phải có một chợ, nhất là trong bối cảnh nhiều xã mặc dù có chợ, nhưng hoạt động không hiệu quả.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc