Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu của Dự án sản xuất cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Cư M’gar

10:00, 14/08/2013

Dự án sản xuất cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu do Chính phủ Đức tài trợ trên 6 tỷ đồng được triển khai tại huyện Cư M’gar vào cuối tháng 6-2012 và sẽ kết thúc vào năm 2014. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai Dự án này.

Gia đình ông Lê Minh Quân (thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến) là một trong những hộ được chọn tham gia Dự án sản xuất cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên diện tích 1 ha cà phê, gia đình ông được triển khai xây dựng thí điểm mô hình tưới nước tiết kiệm. Theo ông Quân, thay vì tưới nước cho cà phê tràn lan như trước khi tham gia Dự án, hiện nay gia đình ông chỉ tưới 320-350 lít/gốc/đợt tưới. Với phương pháp này không những giúp gia đình ông tiết kiệm được chi phí nhân công, xăng dầu mà còn tránh lãng phí tài nguyên nước, ổn định năng suất cà phê. Ngoài nắm bắt được kỹ thuật tưới nước, ông Quân còn được Dự án hỗ trợ phân bón cũng như kỹ thuật bón phân để cây cà phê vừa đủ lượng phân lại đạt năng suất mà không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Mô hình trồng cây che bóng của gia đình ông Hường.
Mô hình trồng cây che bóng của gia đình ông Hường.

Còn gia đình ông Phạm Văn Hường (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến) được tham gia Dự án với mô hình trồng cây che bóng trong vườn cà phê. Trên diện tích 6 sào, ông Hường được cán bộ kỹ thuật của Dự án hướng dẫn trồng cà phê xen cây muồng và các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ, mít… Qua quá trình triển khai, ông Hường nhận định: mô hình này sẽ giúp điều hòa được khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành cũng như cải thiện độ phì nhiêu của đất, tránh tác hại của sự thiêu đốt chất hữu cơ do ánh sáng mặt trời, tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất… Không những vậy, dự tính chỉ vài năm sau, diện tích 6 sào đất của gia đình ông không chỉ cho năng suất về cà phê ổn định mà còn có thêm nguồn thu hàng chục triệu đồng từ các loại cây ăn quả.

Dự án sản xuất cà phê bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu triển khai tại huyện Cư M’gar có sự tham gia của 175 hộ dân, với diện tích trên 200 ha cà phê. Hằng tháng các hộ tham gia sẽ được Dự án tổ chức các khóa tập huấn cũng như hỗ trợ kinh phí để ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong trồng và chăm sóc cà phê. Bên cạnh đó Dự án cũng hỗ trợ người dân về phân bón, các loại giống cây ăn quả, cây che bóng mát và xây dựng các mô hình thực tiễn, khả thi để nông dân ứng dựng và nhân rộng như: mô hình cây che bóng mát, tưới nước tiết kiệm, mô hình bón phân cân đối. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay Dự án đã mang lại hiệu quả rõ rệt không chỉ nâng cao chất lượng, sản lượng cà phê mà còn góp phần đáng kể trong việc cải thiện môi trường, hạn chế thất thoát nguồn nước. Ông Đào Duy Bảy, Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết: “Mặc dù Dự án mới đi được một nửa chặng đường nhưng đã được nhiều nông dân đánh giá cao. Trong thời gian tới, xã sẽ khuyến khích người dân tăng diện tích thực hiện trồng và chăm sóc cà phê bền vững theo mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu này…”.

Hải Yến-Như Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.