Multimedia Đọc Báo in

Ngành cà phê Dak Lak: Còn nhiều việc phải lo

15:20, 11/08/2013

Cà phê là cây trồng chủ lực, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động ở Dak Lak. Sản phẩm cà phê chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Vị thế quan trọng của cây cà phê càng đòi hỏi sự nghiên cứu, quản lý, quy hoạch, đầu tư bài bản hơn khi ngành cà phê Dak Lak đã và đang còn nhiều việc phải lo…

Những hội thảo về tái canh cà phê luôn thu hút sự quan tâm của “4 nhà”.
Những hội thảo về tái canh cà phê luôn thu hút sự quan tâm của “4 nhà”.

Dak Lak là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, cây cà phê có mặt ở địa bàn 15 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh. Huyện có ít diện tích nhất là Ea Súp 46 ha, nhiều nhất là Cư M’gar 36.001 ha. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 202.022 ha cà phê, trong đó diện tích cho sản phẩm là 191.050 ha. Trong vài năm trở lại đây, diện tích cà phê tăng liên tục, trung bình mỗi năm tăng trên 1.800 ha. Tình trạng phát triển cà phê không theo quy hoạch làm tăng cao chi phí sản xuất, năng suất, chất lượng cà phê thiếu ổn định. Điều đáng nói là quỹ đất bazan thích hợp cho cây cà phê hầu như không còn, diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp cần tái canh lại chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Tại Hội nghị hiện trạng tái canh cà phê và giải pháp triển khai thời gian tới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Dak Lak tổ chức ngày 25-7 vừa qua ở TP. Buôn Ma Thuột cho thấy Dak Lak có nhiều diện tích cà phê già cỗi cần tái canh nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 2012 đến năm 2020, mỗi năm cả tỉnh có từ 7.000 ha đến 8.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp, kém hiệu quả cần phải tái canh hoặc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Năm 2012, trong số 162.618 ha/202.022 ha cà phê được khảo sát, đánh giá chất lượng cho thấy, phần lớn vườn cây ở độ tuổi kinh doanh, trong đó diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm chiếm 23,48%, diện tích cà phê không có cây che bóng chiếm gần 70%. Trong khi đó, thực tế đã cho câu trả lời rằng: vấn đề tái canh không đơn giản, dễ dàng là việc nhổ cây đi và trồng lại. Bởi những thất bại của không ít hộ gia đình, thậm chí cả các nông trường, công ty cà phê đã cho thấy tái canh cà phê phải là sự hỗ trợ, cùng vào cuộc của cả “4 nhà” khi nguồn vốn để tái canh không hề nhỏ và tái canh cũng phải thực hiện theo đúng quy trình.

Thêm nữa, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, sự phát triển không theo quy hoạch cộng với số diện tích cà phê có tuổi ngày càng tăng đã làm cho mức độ ảnh hưởng của tình hình hạn hán cây cà phê càng nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có trên 27 nghìn héc-ta cà phê bị hạn, trong đó diện tích cà phê bị mất trắng là 278 ha, số còn lại năng suất giảm trung bình 30%.

Phát triển công nghiệp chế biến được coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc cải thiện nâng cao chất lượng sản phẩm. Với chính sách thu hút đầu tư xây dựng một số nhà máy chế biến cà phê nhân, cà phê tinh chế; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sân phơi, kho chứa sản phẩm đối với những nơi trồng cà phê tập trung, một số dự án chế biến cà phê bột, cà phê hoà tan đã được nâng cấp đầu tư. Đơn cử như: Nhà máy Chế biến cà phê hoà tan 1.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển An Thái, nâng lên 2.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến cà phê hoà tan 6.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty TNHH Cà phê Ngon, nâng lên 10.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy Chế biến cà phê bột – hoà tan 60.000 tấn sản phẩm/năm của Công ty Cổ phần cà phê Trung Nguyên… Tuy số lượng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sâu cà phê trên địa bàn tỉnh nhiều nhưng ngoài một số doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu thì phần lớn là các cơ sở quy mô nhỏ, thiết bị thủ công và thiếu đồng bộ; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trên địa bàn và trong nước.

Trước những khó khăn này, cũng tại Hội nghị hiện trạng tái canh cà phê và giải pháp triển khai thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ, ưu tiên thành lập trung tâm quản lý chất lượng cà phê khu vực; có chính sách cụ thể và hỗ trợ kinh phí hằng năm cho việc phát triển các trung tâm giống cà phê chất lượng cao, hỗ trợ thiết bị cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa; xây dựng hoàn thiện chính sách bảo hiểm đối với ngành cà phê và sớm triển khai áp dụng.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.