Nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi: Thêm động lực giúp phụ nữ nghèo vươn lên
Sau 10 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cung cấp một lượng lớn vốn tín dụng tới phụ nữ nghèo, tạo điều kiện giúp chị em đầu tư phát triển sản xuất, chăm lo cho các con ăn học, vươn lên ổn định cuộc sống.
Vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi
Nhìn cơ ngơi khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, sản xuất, ít ai biết từ năm 2010 trở về trước, gia đình chị Hoàng Thị Duyên, dân tộc Nùng ở thôn 17B (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) luôn nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Vào lập nghiệp ở Dak Lak từ năm 1990, không tài sản, đất đai, phải đi làm thuê kiếm sống, anh chị dành dụm mua được 6 sào ruộng, nhưng không có vốn đầu tư nên năng suất thấp, chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn trong nhà. Trước tình cảnh đó, năm 2006, Hội Phụ nữ xã đã tín chấp với NHCSXH cho gia đình chị vay tổng cộng 11 triệu đồng để chăn nuôi heo. Tằn tiện, tính toán hợp lý và tận dụng nguồn cám gạo để chăn nuôi nên đàn heo phát triển nhanh chóng, mỗi năm xuất bán hơn 20 con. Số tiền tích lũy được lại đầu tư trồng lúa, chăn nuôi bò và đã phát triển đàn lên 13 con. Sau 5 năm, gia đình chị không chỉ trả đủ vốn và lãi cho ngân hàng, thoát khỏi danh sách hộ nghèo mà còn trở thành “mạnh thường quân” thường xuyên giúp hỗ trợ các hội viên phụ nữ nghèo trong thôn bằng cách tăng hoặc giảm phân nửa số tiền mua heo giống, lúa.
Người dân đến giao dịch với NHCSXH chi nhánh xã Ea Nam (huyện Ea H’leo). |
Từ ngày ra ở riêng, được bố mẹ chia cho 2 ha đất, vợ chồng chị H’Mít Hmok ở buôn H’Drát (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã chăm chỉ làm thuê, tích lũy tiền trồng dần cà phê, nhưng do nguồn vốn ít nên không đủ chăm sóc, năng suất thấp. Qua khảo sát, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã tín chấp vay tổng cộng 18 triệu đồng của NHCSXH. Theo chị, nếu tập trung hết vào 2 ha cà phê thì sẽ bị “cụt vốn” và lâu thu hồi nên đã phát triển chăn nuôi dê, bò, khi có vốn quay vòng thì đầu tư chăm sóc cà phê. Với cách làm “lấy ngắn nuôi dài” đó, từ năm 2008 đến nay, gia đình chị đã xuất bán được 12 con dê, bò có thêm tiền mua phân bón, tưới nước cho cà phê, bình quân thu được 4 tấn/năm, vừa lo được cho 5 con ăn học và sửa chữa lại nhà cửa khang trang hơn.
Nhận được tin báo 3 người con lần lượt trúng tuyển đại học, cao đẳng, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn 7A (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) vừa mừng lại vừa lo. Công sức bao năm vất vả, một mình tần tảo sớm khuya đã được đền đáp xứng đáng nhưng càng vui mừng bao nhiêu, chị lại càng lo lắng vì không biết phải xoay sở như thế nào để có đủ tiền cho con ăn học. Chia sẻ với hoàn cảnh của chị, chi hội phụ nữ thôn, tổ tiết kiệm - vay vốn đã bình xét, tín chấp cho vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện. “Nếu không có nguồn vốn vay tín dụng học sinh, sinh viên thì có lẽ các con tôi đã thất học”, chị Hương bộc bạch.
Để nguồn vốn đến tay phụ nữ nghèo
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết, tính đến cuối năm 2012, toàn tỉnh còn 19,8 % hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Bên cạnh việc thiếu đất sản xuất, kinh nghiệm làm ăn, nguồn lao động… thì thiếu vốn là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo ở hầu hết các hộ. Vì vậy, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định về tín dụng ưu đãi hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, Hội đã kịp thời xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ sở thực hiện nhiệm vụ ủy thác của NHCSXH đối với hộ nghèo trên địa bàn. Để thực hiện tốt công tác ủy thác cho vay, các cấp hội luôn sát cánh cùng NHCSXH tỉnh thực hiện nhiều giải pháp giúp phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhanh nhất. Bên cạnh việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi để hộ nghèo và đối tượng chính sách biết, Hội Phụ nữ còn tích cực tham gia cùng chính quyền, các đoàn thể rà soát đối tượng hộ nghèo, phụ nữ nghèo có đủ điều kiện vay vốn, xác định đối tượng vay vốn theo từng chương trình của NHCSXH. Cách làm này bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, đưa vốn đến đúng đối tượng và tạo sự đoàn kết thống nhất trong từng tổ tiết kiệm - vay vốn. Đồng thời, Hội Phụ nữ các cấp cũng chú trọng huy động thành viên các tổ tiết kiệm - vay vốn tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm để chủ động được việc trả lãi và gốc cho ngân hàng khi cần thiết.
Với cách làm trên, việc thực hiện tín dụng ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thông qua tổ chức Hội phụ nữ các cấp tăng dần theo từng năm. Năm 2004, Hội Phụ nữ các cấp mới chỉ nhận ủy thác, theo dõi 1 chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, dư nợ gần 23 tỷ đồng với 478 tổ tiết kiệm - vay vốn có 4.624 hộ vay. Đến cuối năm 2012, các cấp Hội Phụ nữ đã theo dõi, quản lý 9 chương trình cho vay, dư nợ 980 tỷ đồng, với 1.669 tổ tiết kiệm - vay vốn, có 60.881 hộ vay; số thành viên vay vốn tham gia gửi tiết kiệm là 44.598 hộ với tổng số dư tiết kiệm trên 17,5 tỷ đồng. Để nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, công tác quản lý nguồn vốn cũng được thực hiện chặt chẽ. Hội thường xuyên quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm - vay vốn, lựa chọn những thành viên có đủ trình độ, uy tín để giới thiệu làm tổ trưởng. Hằng năm, Hội phối hợp mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ quản lý, điều hành, quy trình, thủ tục vay vốn cho cán bộ hội chủ chốt cấp xã và các tổ trưởng vay vốn; phối hợp với ngành hữu quan tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo từng loại hình sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ. Việc đôn đốc, vận động các hộ vay trả lãi hằng tháng và thu hồi nợ đến hạn luôn được các cấp Hội quan tâm, đạt kết quả cao, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ còn 0,73%, không xảy ra xâm tiêu, chiếm dụng vốn.
Có thể nói, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp đã trở thành “cầu nối” để người nghèo, hộ chính sách tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi một cách nhanh chóng, thuận lợi và phát huy hiệu quả đồng vốn vay. Nhờ vậy, sau 10 năm đã góp phần giảm 107.201 hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc