TP. Buôn Ma Thuột: Nợ đọng thuế tăng ở cả 3 nhóm
Mặc dù cơ quan thuế đã triển khai hàng loạt biện pháp nhưng nợ đọng thuế vẫn tiếp tục tăng. Dự báo, nếu không sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả, tình trạng này sẽ còn diễn biến phức tạp hơn, ảnh hưởng lớn đến kết quả thu ngân sách năm 2013 của thành phố.
Các thành viên đoàn cưỡng chế nợ thuế của Chi cục Thuế TP chỉ biết đứng nhìn vì DN đã kịp thời đóng cửa trụ sở, lánh mặt đoàn cưỡng chế. Trong ảnh: Buổi cưỡng chế một DN nợ thuế trên địa bàn phường Thắng Lợi. |
Tính đến hết tháng 7-2013, tổng nợ thuế do Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột quản lý đã “nhảy” lên con số trên 226 tỷ đồng, tăng hơn 45 tỷ đồng so với cuối năm 2012. Nợ đọng thuế tăng ở cả 3 nhóm: nhiều nhất là nợ có khả năng thu tăng gần 25 tỷ đồng, nợ khó thu tăng hơn 19 tỷ đồng và cuối cùng là nợ chờ xử lý tăng hơn 1,1 tỷ đồng. Phân tích nhóm nợ thuế có khả năng thu cho thấy, nguyên nhân nợ tăng do: DN thi công các công trình xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách Nhà nước chậm được thanh toán, dù công trình đã hoàn thành nhiều năm; một số DN kinh doanh lĩnh vực nông sản lợi dụng chính sách gia hạn thuế của Nhà nước để chiếm dụng tiền thuế GTGT đầu tư vào mục đích khác dẫn đến không có khả năng thanh toán và một số trường hợp khác do khó khăn về tài chính. Ông Trần Văn Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng đối với từng nhóm nợ, từng đối tượng nợ. Chẳng hạn, đối với nhóm nợ có khả năng thu của khối DN, đã rà soát, phân tích tuổi nợ và ban hành hàng ngàn thông báo phạt nộp chậm, áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ (trích tiền gửi tại ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, đóng mã số thuế, kê biên bán đấu giá tài sản, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Ngoài việc áp dụng các biện pháp quản lý và thu nợ theo quy trình do Luật Quản lý Thuế quy định, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác trên cơ sở xem xét tình hình thực tế tại địa phương, như tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như kho bạc, ban quản lý dự án, chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách… phối hợp với cơ quan thuế thu hồi các khoản nợ đọng; gửi văn bản đến các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư công trình xây dựng cơ bản yêu cầu trước khi thanh toán chi trả vốn thi công phải thông báo cho Chi cục Thuế TP biết để áp dụng biện pháp thu số tiền thuế nợ đọng. Mặt khác, chi cục đã tham mưu cho UBND TP. thành lập Ban xử lý nợ đọng, mời các DN nợ thuế làm việc để vừa giải quyết các vướng mắc, kiến nghị, vừa động viên, đôn đốc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Chi cục cũng thành lập Ban xử lý nợ tiến hành làm việc trực tiếp tại trụ sở các DN để đôn đốc nợ. Đặc biệt, từ tháng 4-2013 đến nay, Chi cục Thuế TP đã phân công và yêu cầu từng cán bộ quản lý nợ lập kế hoạch giảm nợ chi tiết đối với số nợ được giao quản lý. Đầu giờ làm việc mỗi ngày, trực tiếp Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP nghe từng cán bộ báo cáo tình hình thu của ngày hôm trước, giải quyết các vướng mắc phát sinh và định hướng kế hoạch cho ngày hôm sau … Từ những biện pháp này, trong những tháng đầu năm 2013, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã thu được hành chục tỷ đồng tiền thuế nợ đọng năm trước chuyển sang. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, tổng nợ đọng vẫn không giảm do số phát sinh mới quá lớn. Rất nhiều trường hợp, Chi cục Thuế đã áp dụng đến biện pháp kê biên, bán đấu giá tài sản nhưng kết quả thu được vẫn rất thấp, do một số cơ quan và người nộp thuế cố tình vắng mặt trong những lần cơ quan thuế tiến hành kê biên tài sản; đặc biệt, nhiều trường hợp không còn tài sản gì để kê biên!
Theo kế hoạch, trong những tháng cuối năm 2013, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp quản lý, thu hồi nợ đọng, trong đó tăng cường hơn nữa công tác cưỡng chế đối với các trường hợp nợ thuế lớn và chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Có thể thấy rằng, những biện pháp mà Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột đã áp dụng là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, để kéo giảm nợ đọng thuế thì phải có biện pháp căn cơ, giải quyết tận gốc vấn đề. Chẳng hạn đối với các DN nợ thuế do chậm được thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Nhà nước cần ưu tiên thanh toán vốn cho DN hoặc triển khai biện pháp bảo lãnh để DN tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng, duy trì và mở rộng hoạt động; đồng thời xử lý nghiêm minh những đối tượng chây ì. Đây là tiền đề quan trọng giúp DN có điều kiện thực hiện đúng, đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước; giúp ngành thuế hoàn thành chỉ tiêu thu năm 2013;
Do sản xuất kinh doanh khó khăn, trong 7 tháng đầu năm, hàng ngàn lượt tờ khai thuế tháng của DN không phát sinh doanh thu hoặc có phát sinh doanh thu nhưng không phát sinh số thuế phải nộp; số lượt tờ khai có phát sinh thuế phải nộp chiếm tỷ lệ rất thấp. Ngoài ra, đã có hơn 140 DN tự bỏ kinh doanh, gần 110 DN nghỉ kinh doanh. Vì thế, đến hết tháng 7-2013, Chi cục Thuế TP. Buôn Ma Thuột mới thu được hơn 389 tỷ đồng thuế, phí, tức đạt 45% dự toán được giao.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc