“Cứu” doanh nghiệp xây dựng cơ bản: Cần giải pháp dài hơi
Kinh tế khó khăn, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, trong khi vốn thi công công trình chậm được thanh toán… đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản (XDCB) đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Giám đốc một công ty xây dựng cỡ lớn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tâm sự: Khi bước vào lĩnh vực XDCB, tôi là một “đại gia”; hoạt động được một thời gian, tôi dần dần thành “thiếu gia”; và sau một thời gian chống chọi với khó khăn, hiện giờ tôi đã… “trắng… da”. Nhìn lại quá trình “đi xuống” của DN trên cho thấy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân Nhà nước chậm thanh toán vốn thi công công trình cho DN. Cách đây vài năm, khi việc đầu tư xây dựng các công trình XDCB chưa được quản lý chặt chẽ, việc mở mới công trình tràn lan, nhiều công trình chưa được ghi vốn cũng … khởi công, DN cứ thế lao vào nhận công trình! Và dĩ nhiên, để có vốn thi công, DN này phải sử dụng triệt để các nguồn vốn như vay từ ngân hàng, vay từ các cá nhân bên ngoài, thậm chí là lấy vốn công trình này đắp điếm cho công trình kia. Đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng vẫn chưa được thanh toán vốn đầy đủ, trong khi đó, DN phải trả lãi cho các khoản vay nên vượt quá khả năng chịu đựng và… đổ vỡ. Thực tế cho thấy, DN trên không phải là trường hợp cá biệt. Theo số liệu tổng hợp của Cục Thuế: tính đến ngày 30-6-2013, toàn tỉnh có hơn 70 DN XDCB thi công công trình sử dụng ngân sách địa phương, nhưng chậm được thanh toán dẫn đến nợ tiền thuế khoảng 28 tỷ đồng. Ngoài ra, các công trình XDCB sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn khác cũng bị chậm thanh toán, làm cho các DN nợ thuế khoảng 10 tỷ đồng.
Nhiều DN XDCB đang lâm vào khó khăn do chậm được thanh toán vốn xây dựng công trình. |
Thật ra, việc ngân sách chậm thanh toán vốn đầu tư dẫn đến một số DN XDCB gặp khó khăn đã và đang là vấn đề được các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ. Ngoài việc được hưởng các chính sách chung về tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, các DN trong lĩnh vực này còn được gia hạn 1 năm nộp thuế tương ứng số vốn ngân sách còn nợ. Và tới đây, theo Nghị định 83 của Chính phủ (ban hành ngày 22-7-2013, có hiệu lực từ ngày 15-9-2013), trường hợp chưa được thanh toán vốn đầu tư XDCB đã được ghi trong dự toán ngân sách Nhà nước cũng sẽ được gia hạn nộp thuế tối đa 1 năm. Ở góc độ địa phương, UBND tỉnh cũng đã và đang chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB. Chẳng hạn, đối với những dự án dở dang nhưng chưa thực sự cấp thiết thì rà soát, xác định thời điểm dừng hợp lý và đình hoãn, cắt giảm phần khối lượng chưa thực hiện để giảm áp lực bố trí vốn, theo đó, nửa đầu năm 2013 đã cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ khoảng 20 dự án. Cùng với đó, từ năm 2013, kế hoạch đầu tư được xây dựng trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc ưu tiên vốn tập trung trả nợ.
Cũng trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN XDCB, cuối tháng 7 vừa qua, Cục Thuế tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị sớm tổ chức cuộc họp với các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường, Kho bạc… nhằm bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đại diện nhiều DN XDCB cho rằng, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong thời gian qua mới giải quyết phần ngọn chứ chưa mang tính dài hơi, chưa giải quyết được tận gốc các khó khăn cho DN. Chẳng hạn, việc chỉ cho phép gia hạn nộp VAT tương ứng với phần vốn ngân sách còn nợ trong thời hạn 1 năm là chưa phù hợp với tình hình thực tế, bởi vì có những công trình ngân sách chậm thanh toán chỉ vài tháng, nhưng cũng có công trình ngân sách nợ nhiều năm. DN đề nghị nên điều chỉnh việc gia hạn nộp thuế tương ứng với thời gian ngân sách chậm thanh toán, DN có nghĩa vụ nộp số thuế tương ứng ngay sau khi được ngân sách thanh toán vốn. Ở góc độ hỗ trợ của địa phương, các DN mong muốn tỉnh có giải pháp hỗ trợ về vốn, lãi suất để giảm bớt áp lực tài chính cho DN, như: gia hạn thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi suất vay vốn, cho vay mới trả nợ cũ… Dĩ nhiên, việc hỗ trợ phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá đóng góp của DN đối với địa phương thời gian qua cũng như khả năng phục hồi của từng DN chứ không nên hỗ trợ theo kiểu cào bằng. Đồng tình với ý kiến này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ đọng trong XDCB là khoản nợ xấu đáng lo ngại nhất hiện nay, nếu không giải quyết được khoản nợ này thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy: DN phá sản, người lao động thất nghiệp, ngân hàng bị nợ xấu, thất thu thuế, DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí, thất thoát vốn NSNN... Biện pháp khả thi nhất hiện nay có thể tính đến là Nhà nước ưu tiên mua lại nợ xấu, nhanh chóng vực lại sản xuất cho các DN này.
Có thể thấy rằng, nhu cầu đầu tư mỗi ngày một tăng, nếu chỉ dựa vào vốn ngân sách thì khó có thể đảm đương hết, mà phải dựa vào nhiều nguồn khác, trong đó có vốn của DN. Chính vì thế, việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh để tiếp tục đóng góp cho địa phương đang là yêu cầu cần được các cấp quan tâm giải quyết.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc