Quy hoạch và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột: Đã có “điểm tựa” pháp lý
Kể từ khi Buôn Ma Thuột trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh vào năm 2010 thì vấn đề quy hoạch và phát triển của thành phố được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn, không biết phải lựa chọn hướng đi nào: một đô thị văn hóa-sinh thái, hay một đô thị mở cho công nghiệp, dịch vụ và thương mại cho việc phát triển trong tương lai…?
Từ bài học về sự nóng vội
Còn nhớ cách đây vài năm, khi đặt câu hỏi trên với kiến trúc sư (KTS) Diêu Quang Hùng (Hội KTS Dak Lak), ông Hùng cho rằng sự lựa chọn ấy vẫn chưa xác lập được cơ sở hợp lý, và đó thật sự là một chọn lựa đầy khó khăn. Chính vì thế mà nhiều người có cảm giác trong quá trình quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Buôn Ma Thuột đang thiếu “chiếc gậy” pháp lý để dẫn dắt và giám sát chung trên lĩnh vực vốn phức tạp và nhạy cảm này. Nhiều chuyên gia về kiến trúc và xây dựng có tâm huyết với đô thị Buôn Ma Thuột từ trước đến nay cũng có chung nhận xét ấy. Theo họ, việc xác lập kiểu mô hình đô thị ở đây đang gặp rất nhiều lúng túng, nếu không nói là có lúc, có nơi bị bỏ rơi, dẫn đến tình trạng nhiều khu phố mới mở ra đã trở nên bất cập.
Xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị hiện đại và giàu bản sắc là mục tiêu đặt ra đến năm 2025. Ảnh: Hoàng Gia |
Khu Đông Bắc TP. Buôn Ma Thuột là “bài học” nhãn tiền, mà đến giờ những nhược điểm của nó không dễ gì khắc phục được. Được biết, khi bắt đầu quy hoạch khu đô thị (vào năm 1999), các cơ quan chức năng đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng khu vực trên trở thành khu thương mại - dịch vụ năng động, đóng vai trò kích thích sự phát triển mạnh mẽ cho cả vùng Đông Bắc rộng lớn sau này. Song, trên thực tế lại không như vậy bởi sự nóng vội, thiếu tầm nhìn trong quy hoạch và phát triển của chính quyền địa phương. Điều dễ thấy nhất ở đây là quỹ đất xây dựng không được tính toán, bố trí một cách phù hợp, dẫn đến hiện trạng các công trình hạ tầng thiết yếu như đường điện, hệ thống cáp quang, cấp thoát nước… phục vụ đời sống dân sinh trong vùng gặp không ít khó khăn. Đến nay, ngoài quỹ đất “khiêm tốn” để mở gần 20 con đường dọc, ngang có bề rộng chừng 6-8 m (từ trước Quảng trường thành phố đến chợ Tân An) nối với 2 trục đường lớn Nguyễn Tất Thành và Phan Chu Trinh, thì nay khu đô thị mới này không còn khả năng mở rộng chỉ giới để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh như đã nêu. Hầu hết người dân sống trong khu Đông Bắc TP. Buôn Ma Thuột đều bức xúc trước kiểu quy hoạch tủn mủn và thiếu đồng bộ như vậy. Chẳng hạn, để thi công hệ thống thoát nước hoàn chỉnh cho khu vực này, thì chỉ còn mỗi cách đào lòng đường lên, hoặc phải lật tung chỉ giới được thiết kế, quy họach từ trước mới làm được, vì lý do quỹ đất không còn. Mà làm như thế sẽ rất tốn kém và khiến cuộc sống của người dân ở đây khó tránh khỏi sự đảo lộn.
Mặt khác, ngay như việc xây dựng nhà cửa, công sở tại khu vực này cũng gặp phải những hệ lụy trước mắt. Không ít hộ dân phản ánh: thiếu chiều rộng thì phải tận dụng… chiều cao. Thế nhưng khi một công trình nào đó có nhu cầu cơi nới, mở rộng thêm diện tích sinh hoạt thì đụng phải đường dây điện phía trên, vì nó được bố trí, lắp đặt cận kề trên đầu họ. Hiện nay có một số tuyến phố bị các công trình điện vướng víu chằng chịt vào ban công của nhiều hộ khiến vấn đề an toàn hành lang lưới điện ở đây bị đe dọa. Thứ đến, và cũng là điều đáng nói ở khu đô thị mới Đông Bắc là một khi “tiêu chí thương mại” không đạt được, thì theo đó yếu tố môi trường, sinh thái cũng trở nên nan giải. Theo Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và môi trường Dak Lak, từ chỗ quỹ đất dành cho vỉa hè cũng như các khoảng không gian xanh rất ít, nên việc trồng và bảo đảm tỷ lệ cây xanh che bóng cho khu vực này là một thách thức đặt ra. Được biết, trên diện tích rộng gần 2,2 km2 được quy hoạch, xây dựng khu đô thị trên, trong đó tỷ lệ quỹ đất dành cho việc xây dựng các tiểu hoa viên và trồng cây xanh chưa tới 3% là điều không thể chấp nhận được đối với một thành phố trẻ, giàu tài nguyên đất đai như Buôn Ma Thuột.
Đã có câu trả lời
Đúng như dự báo của KTS Hoàng Đạo Kính - ủy viên Hội KTS Việt Nam trong một lần làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương hồi cuối năm 2011, rằng: dù chọn lựa và phát triển đô thị Buôn Ma Thuột theo hướng nào đi chăng nữa, cũng luôn phải hướng đến các giá trị tương thích, phù hợp với đặc thù địa lý, nhân văn và lịch sử - văn hóa của vùng đất giàu bản sắc này. Và một khi các yếu tố ấy được quan tâm và tôn trọng thì bức tranh tổng thể cho đô thị Buôn Ma Thuột sẽ dần sáng rõ lên với những gam màu rất riêng và độc đáo, không rơi vào “mô tuýp” chung chung, hoặc na ná giống nhau trong việc quy hoạch và xây dựng các đô thị mới ở Việt Nam hiện nay.
Từ dự báo và đánh giá mang tính định hướng ấy, mới đây UBND tỉnh Dak Lak đã gửi tờ trình lên Bộ Xây dựng thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó đáng chú ý là việc xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển đô thị này trở thành đô thị kết nối (Hub City) với các đầu mối kinh tế: giao thông, thương mại, công nghiệp-công nghệ cao, giáo dục, y tế và thể thao trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung-Nam bộ trên cơ sở phát triển bền vững gắn với thiên nhiên, vùng sinh thái và cây công nghiệp, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Trên tầm nhìn chiến lược ấy, UBND tỉnh Dak Lak và các sở, ngành liên quan đã xác định: quy mô đất đai để phục vụ cho việc xây dựng đô thị, nhất là các khu đô thị mới sẽ được quy hoạch, bố trí hợp lý và đúng với tiêu chí đặt ra cho đô thị loại 1 cấp vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến quỹ đất dành cho xây dựng, phát triển giao thông và các công trình hạ tầng khác luôn chiếm tỷ lệ 10% trở lên. Cụ thể, cấu trúc chung cho đô thị Buôn Ma Thuột đến năm 2025 là vùng phát triển đô thị - nội ô (gồm các đô thị hiện hữu và các khu đô thị mới) có tổng diện tích khoảng 11.000 ha, thì quỹ đất dành cho hạ tầng kỹ thuật là 1.100 ha. Cùng với đó là “Vành đai xanh” bao quanh thành phố bao gồm: vùng chuyên canh cây nông nghiệp với công nghệ cao, vùng tái tạo và trồng mới rừng, các công viên, lâm viên cũng như các khu du lịch sinh thái cận kề… rộng hàng nghìn ha sẽ là những yếu tố quan trọng góp phần hình thành một đô thị Buôn Ma Thuột hiện đại và giàu bản sắc trong tương lai.
Câu trả lời đã có, hay nói cách khác: đồ án trên chính là “điểm tựa” pháp lý giúp cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hướng dẫn và giám sát việc chỉnh trang, quy hoạch, phát triển đô thị Buôn Ma Thuột một cách hữu hiệu nhằm hướng đến mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cấp vùng và có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng về quốc phòng, an ninh khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc