Vay tiêu dùng: Thừa sản phẩm, thiếu khách hàng!
Khi cho vay doanh nghiệp (DN) trở nên khó khăn, nhiều ngân hàng (NH) đã tập trung mạnh vào mảng tín dụng cá nhân, đặc biệt là cho vay tiêu dùng bằng nhiều hình thức như liên tục đưa ra sản phẩm mới, xuống tận cơ sở tìm kiếm khách hàng…
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh Baovietbank Dak Lak (ảnh minh họa) |
Thời gian gần đây, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những tờ rơi, quảng cáo, thậm chí nhiều người liên tục nhận được điện thoại của nhân viên NH chào mời cho vay tiêu dùng. Trong “cuộc đua” cho vay tiêu dùng, hiện nay hầu hết các tổ chức tín dụng đều “trang bị” một hoặc vài ba chương trình ưu đãi, chủ yếu là miễn giảm lãi suất để thu hút khách hàng. Hiện tại, lãi suất huy động bình quân của nhóm NH thương mại Nhà nước đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng dao động quanh mức 6,5%-7%/năm, trên 12 tháng khoảng 7,5%-8%/năm; riêng khối NH TMCP thì lãi suất huy động có cao hơn. Thế nhưng, rất nhiều NH “tung” ra các gói tín dụng có lãi suất rất thấp so với lãi suất huy động, cá biệt có trường hợp áp dụng lãi suất 0% trong một thời gian nhất định. Đến thời điểm này, NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) được đánh giá là đơn vị mạnh tay đưa ra các ưu đãi cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, bắt đầu từ ngày 1-8 đến 22-9-2013, Vietcombank giảm lãi suất cho vay thuộc Chương trình ưu đãi lãi suất 5.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ gia đình xuống mức thấp nhất 8%/năm.
Theo đó, vay mua nhà dự án, nhà, đất, xây sửa nhà để ở hoặc để ở kết hợp với cho thuê có mức lãi suất tối thiểu 8%/năm trong 6 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên; vay mua ô tô có lãi suất 8,88%/năm, cũng trong 6 tháng kể từ ngày giải ngân… NH TMCP ĐT&PT Việt Nam (BIDV) cũng không đứng ngoài cuộc, mặc dù đang triển khai gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ với lãi suất 6%/năm (áp dụng trong năm 2013) nhưng BIDV vẫn “tung” ra sản phẩm “Vay mua nhà, lộc tân gia”, lãi suất 8,99%/năm. BIDV cho biết, tổng nguồn vốn dành cho sản phẩm này khoảng 3.000 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong thời gian từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 12-2013. Tương tự, Sacombank có chương trình ưu đãi cho vay mua, xây, sửa chữa nhà; lãi suất 6,99%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 11,99%/năm trong 9 tháng tiếp theo. Nhiều NH không áp dụng ưu đãi lãi suất thì nhanh chóng nhập cuộc theo hướng khác như làm việc với các cơ quan quản lý Nhà nước ở cơ sở để triển khai cho vay trả góp bằng tiền lương; xác định thời điểm trả nợ một cách linh hoạt, chủ yếu dựa vào thu nhập của khách hàng chứ không cứng nhắc thu hàng tháng, quý như trước đây; tính lãi suất tiền vay theo dư nợ thực tế thay cho kiểu tính lãi trên vốn gốc suốt thời gian vay như lâu nay; áp dụng lãi suất 0%/năm trong khoảng thời gian một vài tháng đầu kể từ ngày giải ngân; hợp tác với các trung tâm thương mại, siêu thị tặng tiền mặt, giảm giá mua hàng hóa cho khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng… Các chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thông thường thì lãi suất cho vay phải cao hơn lãi suất huy động từ 3%/năm trở lên thì các NH mới có lãi. Chính vì vậy, việc NH triển khai các gói tín dụng ưu đãi nêu trên chủ yếu nhằm hỗ trợ khách hàng, kích cầu tiêu dùng. Thật ra, việc các NH tung ra hàng loạt chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi không phải là chuyện mới, vì từ đầu năm đến nay khi DN đuối sức, khó cho vay, các NH đã chuyển sang mảng khách hàng cá nhân với mong muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Thực tế cho thấy, cho vay tiêu dùng nở rộ với nhiều chương trình hấp dẫn nhưng vẫn chưa đủ sức thu hút khách hàng. Đại diện nhiều NH thừa nhận, mặc dù tung ra nhiều chương trình nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn tăng chậm so với kỳ vọng; đặc biệt, các khoản vay tiêu dùng được kỳ vọng như vay mua bất động sản vẫn gặp khó khăn khi mà thị trường này vẫn kém sôi động, khách hàng còn tâm lý chờ giá giảm hoặc thắt chặt chi tiêu. Trái với ý kiến này, nhiều khách hàng cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay là lãi suất cho vay vẫn còn cao, lãi suất ưu đãi thường chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn; điều kiện cho vay khắt khe, nhất là việc chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ… khiến khách hàng ngại vay vốn, dù nhu cầu là rất lớn.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc