Multimedia Đọc Báo in

Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên: Cơ hội và thách thức

08:43, 25/09/2013

Kỳ II: Cần tận dụng “cơ hội vàng”

Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 rõ ràng là sự kiện đáng được mong đợi nhất của ngành du lịch. Thế nên các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng cần xem đây là “cơ hội vàng” của mình.

Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Lâm Đồng 2014 là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Tây Nguyên đến với du khách gần xa.
Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Lâm Đồng 2014 là cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Tây Nguyên đến với du khách gần xa.

Cần xác định sản phẩm du lịch đặc thù

Được đánh giá có nhiều lợi thế cho việc phát triển du lịch, nhưng hiện tại vẫn chưa có quy hoạch phát triển du lịch khu vực Tây Nguyên. Do đó du lịch vùng này còn tự phát và thiếu tính hệ thống, chưa xác định rõ được những sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc trưng. Trong khu vực Tây Nguyên, sản phẩm du lịch có nhiều nét tương đồng về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Vì vậy, mỗi tỉnh cần xây dựng và lựa chọn một vài loại hình du lịch đặc trưng, tránh sự trùng lặp để định hướng đầu tư. Trong các tỉnh Tây Nguyên, ngoại trừ Lâm Đồng có thương hiệu điểm đến khá tốt, các tỉnh còn lại cần tập trung đầu tư một vài điểm nhấn, chẳng hạn ở Dak Lak có voi Bản Đôn, Kon Tum có khu du lịch ở Măng Đen… Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTT&DL Dak Lak) Đinh Một cho rằng, thế mạnh bậc nhất của Tây Nguyên vẫn là các tour du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Các tỉnh Tây Nguyên đã khai thác những thế mạnh này để phục vụ du khách, nhưng việc đầu tư cho các thế mạnh này còn quá yếu, thậm chí nhiều nơi chỉ khai thác mà thiếu đầu tư. Hơn thế lâu nay, người ta nói nhiều đến du lịch sinh thái, khu du lịch sinh thái, nhưng không ít người nghĩ một cách đơn giản và dễ dãi rằng: sinh thái là có nhiều cây, nhiều hồ. Cứ khu du lịch nào có nhiều cây và hồ thì đều được gọi là du lịch sinh thái. Chính vì vậy, các loại hình du lịch chủ yếu tại các khu du lịch sinh thái ở Tây Nguyên đều khá đơn điệu, nhàm chán. Các hoạt động chủ yếu là đi bộ, leo núi, nhìn ngắm một cách hời hợt, thiếu trọng tâm. Sau chuyến đi, khách du lich rốt cuộc vẫn không hiểu giá trị của hệ sinh thái đó là gì, có gì khác biệt so với các hệ sinh thái khác. Tây Nguyên là vùng đất lý tưởng để làm du lịch vì ít có nơi nào có điều kiện thuận lợi để tạo sản phẩm đặc trưng, riêng biệt, hấp dẫn về du lịch như ở đây. Tây Nguyên còn có nhiều thắng cảnh và hệ động, thực vật phong phú, nhiều tiểu vùng có khí hậu ôn hòa mát mẻ, thích hợp với nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng và du lịch hội nghị. Thế nên để tạo nên không gian văn hóa, du lịch ấn tượng, đậm đà bản sắc Tây Nguyên kéo dài trong suốt một năm, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng du khách, ngay từ bây giờ mỗi địa phương cần xác định sản phẩm du lịch đặc thù để có hướng đầu tư phù hợp.

Tăng cường quảng bá, tạo sự liên kết vùng

Du khách quốc tế tham quan buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột)
Du khách quốc tế tham quan buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột).

Trong buổi gặp gỡ những người làm du lịch và quan tâm đến du lịch Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cùng thống nhất cho rằng: để thực hiện thế mạnh của du lịch Tây Nguyên là du lịch sinh thái và văn hóa, các địa phương cần hướng mạnh đến việc quảng bá. Các doanh nghiệp, công ty du lịch xây dựng hình ảnh về những tuyến du lịch gắn liền với các vùng tự nhiên còn nguyên sơ và các buôn làng dân tộc thiểu số, mang đậm bản sắc của Tây Nguyên. Từ đó, hình thành những điểm đến thực sự hấp dẫn dành riêng cho tổ chức lễ hội truyền thống và tham quan các di tích, danh lam. Nhiều ý kiến còn cho rằng cần phối hợp với công ty du lịch lớn xây dựng các tour khai thác triệt để nét độc đáo, khác biệt của từng địa phương. Bên cạnh đó để khai thác tiềm năng du lịch to lớn vùng Tây Nguyên không thể thiếu sự liên kết. Trước hết là liên kết liên vùng với khu vực miền Trung, đặc biệt với khu vực Nam Trung bộ. Ông Đinh Một cho rằng, liên kết cấp vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm bởi vùng duyên hải Nam Trung bộ có lợi thế là nghỉ dưỡng biển, trong khi Tây Nguyên với thế mạnh là rừng núi, hệ sinh thái và du lịch văn hóa. Bên cạnh đó, cự ly di chuyển từ Nam Trung bộ lên Tây Nguyên khá gần để kéo khách lên. Xa hơn nữa với đường biên giới dài hàng trăm cây số, có nhiều cửa khẩu với các nước Lào và Campuchia, Tây Nguyên còn có ý nghĩa đặc biệt đối với quá trình hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế. Do đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo thuận lợi mở các tuyến du lịch liên vùng và các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan… Đây không phải là vấn đề mới, nhưng đến nay việc tạo nên sự liên kết vẫn là bài toán khó với các nhà quản lý du lịch. Thế nên để Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 phát huy hiệu quả các cấp quản lý du lịch cần ngồi lại và cũng cần xem đây là cơ  hội tốt để cùng nhau giải quyết vấn đề này. Bởi khi chúng ta tạo ra được sự liên kết bài bản cũng chính là lúc hình ảnh riêng biệt của du lịch Tây Nguyên đi vào lòng du khách.

Riêng với Dak Lak, xác định được tầm quan trọng của sự kiện này, ngay từ cuối năm 2012 UBND tỉnh Dak Lak đã có Công văn số 7602/UBND-VHXH, ngày 30-11-2012 về việc tham gia các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Lâm Đồng 2014 theo thư mời của UBND tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh Dak Lak đã giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh căn cứ tình hình thực tế chủ động phối hợp với tỉnh Lâm Đồng để xem xét, thống nhất các nội dung tham gia Chương trình, kế hoạch tổ chức. Ông Đinh Một cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh chỉ diễn ra 4 hoạt động trọng điểm gồm: Lễ hội đua voi Buôn Đôn, Giải đua thuyền truyền thống Krông Ana, Tour du lịch homestay “Đến với voi Bản Đôn” và Tour du lịch dã ngoại “Hồ Lak – Hoang sơ và kỳ vĩ”, nhưng những hoạt động này sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền cho các hoạt động du lịch khác trên địa bàn tỉnh. Thế nên ngành du lịch Dak Lak đã và sẽ làm hết sức có thể để tận dụng cơ hội xây dựng và quảng bá hình ảnh của mình đến với du khách.

 Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.