Xây dựng nông thôn mới ở huyện Krông Pak: Tiêu chí thủy lợi khó hoàn thành
Phần lớn kênh mương nội đồng trên địa bàn huyện Krông Pak chưa được kiên cố hóa gây thất thoát một lượng nước lớn. |
Tại thời điểm này, Krông Pak mới chỉ có khoảng 70 công trình thủy lợi hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho khoảng 18.000 ha cà phê và 12.000 ha lúa nước 2 vụ/năm. Điều đáng nói, phần lớn các công trình đều đã xây dựng hàng chục năm nên đã xuống cấp, hư hỏng cần được sửa chữa, nâng cấp. Chẳng hạn như, hồ thủy lợi thôn 6B (xã Hòa An), mặt đập gần kề đường giao thông đã bị nứt dọc dài khoảng 50m, trong khi phía hạ lưu đã bị người dân đào ao lấn chiếm không bảo đảm an toàn; đập Ea K’ty (xã Ea Kênh) đã xói lở hai bên mặt đập không thể tích nước nhiều vì sẽ dễ bị vỡ đập. Còn đập Tố Hoa, ở thôn 2 (xã Ea Knuếch) do Công ty TNHH MTV Cà phê Tháng 10 quản lý, sử dụng, khi bàn giao lại cho xã quản lý thì đã xuống cấp, mặt đập thấp, bờ nhỏ, chủ yếu dùng để tích trữ nước tưới cà phê nên hàng năm cứ vào mùa mưa lại bị sạt lở gây nguy hiểm cho người dân sống xung quanh; đầu năm 2013 công trình đã được Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh hỗ trợ 1,9 tỷ đồng để tu sửa, bê tông hóa mặt đập. Điều đáng nói, hầu hết các hồ đập thủy lợi ở xã Ea Knuếch đã được đầu tư xây dựng nhưng do chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước nên chưa phát huy tác dụng. Ông Huỳnh Ngọc Pháp, cán bộ giao thông – thủy lợi xã cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 6 hồ đập nhưng hiện tại chỉ có đập buôn Riêng A và buôn Riêng B là có hệ thống kênh dẫn nước, bảo đảm tưới tiêu cho 103 ha lúa; những hồ đập còn lại chưa có hệ thống kênh mương dẫn nước hoặc chỉ là kênh đất nên lượng nước thất thoát lớn, nhất là vào mùa khô. Tại xã Hòa Tiến có 7 công trình thủy lợi do nhà nước đầu tư xây dựng và 2 hồ chứa nước do nhân dân tự đắp, đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng 540 ha cà phê và 167 ha lúa nước. Tuy nhiên, hiện toàn xã mới chỉ có 170 m kênh mương được bê tông hóa, còn lại 2,5 km kênh chính và 13 km kênh cấp 4 nội đồng chưa được kiên cố hóa nên lượng nước thất thoát lớn, gây hạn hán vào mùa khô. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến Trần Công Huy: Trong các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí về thủy lợi và giao thông được xem là tiêu chí khó thực hiện nhất vì cần phải có nguồn vốn lớn. Theo kế hoạch của xã, đến năm 2020 sẽ đầu tư xây mới 2 đập thủy lợi và bê tông hóa 10 km kênh mương với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng (trước mắt sẽ nâng cấp, cải tạo 3 đập thủy lợi với tổng vốn dự kiến khoảng gần 1 tỷ đồng), nhưng do không có vốn nên không thể triển khai được. Kinh phí sửa chữa chưa có thì việc triển khai xây mới các công trình còn khó khăn hơn, bởi ngân sách cấp về ít, mà huy động nhân dân đóng góp lại không dễ.
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó trưởng phòng NN-PTNT Krông Pak cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 103 công trình hồ, đập thủy lợi với hơn 400 km kênh mương thì mới chỉ có trên 40 km kênh mương được bê tông đầu mối dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho các loại cây trồng, còn hệ thống nội đồng do các xã, người dân xây dựng hầu như chưa được kiên có hóa. Trong khi đó, do nguồn vốn đầu tư xây dựng lớn nên từ khi các công trình hồ đập được các công ty bàn giao cho địa phương quản lý tới nay, huyện mới chỉ sửa chữa được một số công trình. Mặc dù các ngành chức năng của huyện đã thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình, kịp thời tu bổ, cải tạo các hồ đập để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cũng như đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nhưng đây cũng chỉ là những giải pháp trước mắt, bởi muốn công trình đảm bảo an toàn và phục vụ sản xuất nông nghiệp lâu dài thì việc sửa chữa lớn cần được triển khai. Mặt khác, nhiều công trình có khả năng tích trữ nước nhưng do không có kênh dẫn nên chưa phát huy tác dụng tưới tiêu trong sản xuất của người dân. Vì vậy, để có thể hoàn thành tiêu chí thủy lợi, địa phương đang rất cần sự hỗ trợ, đầu tư từ phía nhà nước và các ngành hữu quan.
Theo Bộ tiêu chí quốc gia Nông thôn mới thì tiêu chí về thủy lợi có 2 tiêu chí nhỏ gồm: hệ thống thủy lợi phải cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa phải đạt 85%. Việc hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn, trong khi Chương trình xây dựng nông thôn mới còn rất nhiều tiêu chí, nội dung, hạng mục cần phải đầu tư. Vì vậy, để từng bước hoàn thành tiêu chí này, trước hết các địa phương cần phối hợp với đơn vị chủ quản làm tốt việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, điều tiết nước ở các công trình thủy lợi trên địa bàn, đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ công trình, tích cực tham gia đóng góp ngày công, kinh phí đào đắp, nạo vét kênh mương để có thể sớm hoàn thành tiêu chí này.
Yến Ngọc
Ý kiến bạn đọc